Xã hội

Dân khó biết bộ trưởng có bao nhiêu nhà

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải cân nhắc giải pháp công khai tài sản quan chức tại nơi cư trú, thu hẹp diện phải kê khai, bởi trong công tác phòng chống tham nhũng, điều quan trọng nhất là kiểm soát được tài sản và thu nhập, ngăn chặn tình trạng dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, hoặc cho người thân…

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Rất khó để biết tài sản của quan chức

Việc nghiên cứu thu hẹp lại diện kê khai tài sản là hoàn toàn hợp lý. Có thu hẹp lại thì mới có thể giám sát và kiểm tra được tính trung thực của các bản kê khai. Tuy nhiên, việc thu hẹp này cần phải tính toán sao cho diện kê khai phải đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, những cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan T.Ư thì bắt buộc phải nằm trong diện phải kê khai tài sản.

 

ĐB Trương Trọng Nghĩa.


Tiếp đó, những cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở những ngành, những lĩnh vực nhạy cảm với tham nhũng như ngân hàng, hải quan, thuế, đất đai, cấp phép tài nguyên khoáng sản… cũng phải nằm trong diện phải kê khai. Còn những cán bộ ở đơn vị khác như cấp huyện, cấp xã thì không nên bắt buộc phải kê khai tài sản.

Riêng đối với việc công khai tài sản tại nơi cư trú, theo tôi cần nghiên cứu. Bởi thực tế nếu có công khai tài sản của một ông bộ trưởng ở nơi cư trú thì người dân ở đó cũng khó có thể biết được đúng sai. Bởi tham nhũng là hành vi ngầm, anh mua đến chục cái nhà rải rác ở nhiều quận, huyện thì làm sao người dân nơi cư trú biết được. Chưa kể anh tham ô, tham nhũng, anh mua vàng, kim cương rồi chuyển tài sản ra nước ngoài thì người dân cũng khó mà biết được.

Do đó, tôi cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng những cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách chặt chẽ hơn, trong đó có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, ngân hàng, thuế… Có như thế thì chúng ta mới kiểm soát được tốt tài sản và thu nhập của quan chức.

ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Có cơ chế kiểm soát việc dịch chuyển tài sản


Việc rút gọn lại diện kê khai tài sản theo tôi là hợp lý. Bởi có rút gọn lại thì chúng ta mới có thể kiểm tra, giám sát được các bản kê khai đó có đúng hay không. Chứ như hiện nay gần 1 triệu người kê khai nhưng phát hiện vi phạm là rất ít, khiến nhân dân, dư luận cho rằng việc kê khai còn mang nặng tính hình thức.

 

ĐB Lê Như Tiến. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Ngoài ra, việc công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú theo tôi là phù hợp. Có công khai tại nơi cư trú thì người dân mới biết mà giám sát, phản ánh đến các cơ quan chức năng về những trường hợp kê khai không trung thực. Chứ không công khai thì người dân rất khó để giám sát.

Tuy nhiên, để việc phòng chống tham nhũng nói chung và việc kê khai, công khai tài sản nói riêng phát huy được hiệu quả, chúng ta cần phải có cơ chế ngăn chặn và xử lý được tình trạng dịch chuyển tài sản không hợp pháp từ bố, mẹ sang cho con cái, hoặc người thân đứng tên. Ví như một ông quan chức khi bị dư luận phản ánh có nhiều tài sản, thì ông ấy lại nói rằng đó là tài sản của con trai mình.

Khi đó các cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ xem con ông ấy đang làm việc ở đâu, thu nhập thế nào, đóng thuế ra sao mà lại có nhiều tài sản. Nếu thấy rằng, con ông ấy mới chỉ vào làm việc trong cơ quan nhà nước được 1- 2 năm thì không thể có được khối tài sản lớn như thế.

Còn nếu con ông làm doanh nghiệp thì cũng có thể kiểm tra được xem đóng thuế thu nhập cá nhân thế nào, có đủ cao để mua được tài sản đó không… Tất cả những cái đó cần phải được quy định một cách rõ ràng, minh bạch thì mới hạn chế, ngăn chặn được tình trạng tham nhũng.

ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội: Công khai với từng vị trí

Đúng là hiện nay các quy định về  kê khai tài sản và công khai tài sản còn nhiều bất cập và vẫn mang tính hình thức. Tuy nhiên không vì những bất cập đó mà chúng ta giảm bớt diện kê khai tài sản đi. Bởi nếu giảm đi thì rất dễ dẫn đến tình trạng cha, mẹ dịch chuyển tài sản cho con cái, hoặc người thân để trốn tránh kê khai. Chúng ta vẫn yêu cầu họ phải kê khai để khi có tố cáo, khiếu nại thì có thể kiểm tra, giám sát, đối chiếu xem bản kê khai đó có trung thực hay không.

 

ĐB Đinh Xuân Thảo.


Do đó tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì diện kê khai tài sản như quy định hiện hành. Nhưng song song với đó cần phải sửa đổi lại các quy định về công khai tài sản theo hướng, chỉ những người ở vị trí nhạy cảm, dễ dẫn đến tham nhũng thì mới phải công khai, chứ không nhất thiết cứ “ai kê khai là phải công khai”. Quy định như thế là rộng quá, khó có thể giám sát hết và nhiều khi còn không phù hợp.

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo