Dân khốn đốn vì titan: Khai thác ẩu, quản lý lỏng lẻo
Ông Võ Mộng Hùng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định, cho biết kết quả thanh tra mới đây tại tám doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản titan ở tỉnh này đều có sai phạm. Trong đó sai phạm phổ biến và nghiêm trọng nhất là lĩnh vực môi trường.
“Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt không nêu thời gian khai thác, công suất thiết bị, số lượng thiết bị khai thác, thậm chí không nêu cả sản phẩm khai thác. Đặc biệt, các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều không đề cập giám sát thông số phóng xạ trong nước. Thậm chí, xưởng nghiền zircon của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại khoáng sản Ban Mai (TP Quy Nhơn) đã đi vào hoạt động lâu nay nhưng không lập cam kết bảo vệ môi trường”- ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp không thực hiện giám sát môi trường chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả nước thải không đúng quy định, nồng độ vượt quy chuẩn nhiều lần…
Theo ông Võ Minh Thành, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí tại các khu vực khai thác titan đều vượt 4,5 - 6,2 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
Cũng theo ông Hùng, một thực tế khác là đa phần doanh nghiệp khai thác titan đều sử dụng ồ ạt nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngọt ở hầu hết khu vực khai thác. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều doanh nghiệp sử dụng nguồn nước dưới đất quá số lượng cho phép.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại khoáng sản Ban Mai chỉ được cấp phép khai thác nước dưới đất một giếng nhưng công ty này đã tự ý khai thác đến 6 giếng; nhiều công ty khác tự ý khai thác sử dụng nguồn nước ngầm mà không có giấy phép…
Bùng phát khai thác titan lậu Cùng với các doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên - Môi trường và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cấp phép khai thác, hiện nay, tình trạng khai thác titan lậu bùng phát trở lại tại các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Chỉ riêng tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát, mỗi ngày có trên 300 người moi cát vườn nhà khai thác titan. Mỗi đêm có khoảng 100 tấn titan khai thác trái phép tại xã được vận chuyển để tiêu thụ lậu. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy bắt nhưng vẫn không dẹp được tình trạng này. |
Buông lỏng quản lý
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định, thừa nhận: “Hiện nay, do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, nhiều điểm khai thác titan trong khi các lực lượng chức năng còn quá mỏng, thiếu người nên không thể kiểm tra thường xuyên”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính sự buông lỏng trong cấp phép, quản lý hoạt động khai thác titan dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng.
Đó là cấp giấy phép khai thác với công suất lớn hơn công suất trong quy hoạch đã được phê duyệt, nhiều giấy phép khai thác có công suất lớn gấp nhiều lần so với báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thực tế qua kiểm tra, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường phát hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác titan của Công ty TNHH Vạn Đại (huyện Phù Mỹ) có công suất tương đương 13.400 tấn sản phẩm/năm, trong khi giấy phép được cấp sau đó có công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty TNHH Tấn Phát (TP Quy Nhơn) có công suất 14.000 tấn sản phẩm/năm
trong khi giấy phép cấp có công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm. Còn báo cáo môi trường của Công ty Cổ phần Kim Triều (TP Quy Nhơn) có công suất 14.700 tấn sản phẩm/năm, trong khi giấy phép cấp lên đến 20.000 tấn sản phẩm/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo