Xã hội

Dân không thuận, đường khó thông

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, mô hình tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, rủi ro, nhưng khi triển khai phải đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân. Nếu người dân không chấp thuận thì không thể thu phí.

 Trạm thu phí dự án BOT Vinh - Hà Tĩnh của Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4. Ảnh: Bảo An.

Làm đường mới giàu
 
Ngày 12/12, báo GTVT và các cơ quan thuộc Bộ GTVT tổ chức hội thảo giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Theo ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ GTVT), từ năm 2012 đến nay, tổng số vốn huy động từ DN vào hạ tầng đường bộ lên đến 160 nghìn tỷ đồng (đầu tư vào 132 dự án). Trung bình ba năm qua, tổng số vốn huy động từ doanh nghiệp (DN) luôn vượt hơn 10 lần ngân sách. Trong đó, cao điểm nhất là năm 2013 với tổng vốn huy động từ DN lên đến 62.281 tỷ đồng, trong khi vốn ngân sách chỉ đạt 6.284 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu tính cả lĩnh vực giao thông khác như xây dựng sân bay, các hãng hàng không tư nhân như VietJet tham gia vào vận tải..., số vốn xã hội đầu tư vào giao thông rất lớn. “Hạ tầng nói chung và hạ tầng GTVT yếu kém đang cản trở sự phát triển. Đột phá hạ tầng là nhiệm vụ then chốt để đưa nước ta thành nước công nghiệp”, ông Thăng nói. Ông Thăng tâm đắc với câu nói của cựu Tổng thống Mỹ John F.Kennedy được đại diện Tập đoàn Phát triển hạ tầng Ấn Độ nêu ra: “Không phải sự giàu có tạo ra những con đường mà chính những con đường tạo ra sự giàu có”.
 
Bộ GTVT cũng đưa ra nhóm các dự án để tiếp tục kêu gọi đầu tư, trong đó, đường bộ vẫn là lĩnh vực then chốt. Ngoài ra, lần này, Bộ GTVT đặc biệt mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hạ tầng đường sắt (trước mắt là xây dựng đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội – Vinh, TPHCM - Nha Trang và các ga đầu mối). Hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa cũng là lĩnh vực Bộ GTVT kêu gọi đầu tư thời gian tới.
 
Đại diện Bộ Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước và các nhà thầu cũng bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương xã hội hóa.
 
Sẽ đấu thầu tất cả các dự án
 
Dù rạo rực khí thế nhưng các nhà đầu tư vẫn nêu ra nhiều rủi ro, lo ngại. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch TASCO (DN đầu tư 3 dự án BOT), cho rằng, đặc thù của dự án giao thông là đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn trung bình khoảng 20 năm. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn hoặc trung hạn khiến DN khó xoay xở. Ông Dũng đề nghị ngân hàng tăng thời hạn cho vay; nếu không được, cần rút ngắn thời gian thu phí.
 
Ông Phạm Dũng, Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 1, nói rằng DN đã đầu tư tuyến đường tránh thành phố Thanh Hóa. Ban đầu được thu phí tại cầu Tào (nằm trên QL 1A) nhưng sau đó phải chuyển trạm theo chủ trương của Bộ GTVT, gây khó khăn cho nguồn thu. Có nhà đầu tư còn lo ngại về tình trạng khi đầu tư xong lại có một tuyến đường khác song song.
 
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất chính là khả năng chi trả của người dân. Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết, dù xã hội hóa là cách giải quyết điểm nghẽn hữu hiệu, nhưng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các dự án BOT chủ yếu là nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, trong đó có những tuyến gần như độc đạo nên dễ gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, đơn giá đầu tư dự án trong nước tiệm cận với nước ngoài trong khi khả năng chi trả trong nước thấp.
 
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cho biết, Chính phủ chuẩn bị ban hành nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, tất cả các dự án theo hình thức xã hội hóa đều phải tiến hành đấu thầu. Như vậy, nhà đầu tư nào làm đường chất lượng nhưng thu phí thấp nhất sẽ được chọn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ nghiên cứu áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí đầu tư, giảm tối đa tác động đến người đi đường. Chẳng hạn, nếu chủ đầu tư nào hoàn thành dự án chậm, sẽ bị trừ thời gian thu phí; DN thi công xong sớm sẽ được thưởng. Ông Thăng cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi những bất cập trong thiết kế dự án.
 
Theo kinh nghiệm thế giới, đường nhỏ phải vượt lên trên đường lớn, nhưng, hiện nay nhiều dự án, như cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, nhiều đoạn đường lớn vượt trên đường nhỏ làm tăng chi phí đào đắp, tăng chi phí cho đường lớn.
 
“Mô hình này còn nhiều khó khăn, rủi ro nhưng khi triển khai phải đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân. Nếu người dân không chấp thuận thì không thể thu phí”, ông Thăng nói.
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo