Xã hội

Dân nghi cá chết do nạo vét vịnh Cam Ranh

Cho rằng cá, tôm chết hàng loạt do hoạt động khai thác cát, các hộ nuôi trồng thủy sản TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã nhiều lần phản ứng, kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng các sà lan này vẫn tiếp tục hoạt động. “Tức nước vỡ bờ”, hàng trăm người dân đã mang cá, tôm chết lên phường, sau đó đổ ra đường gây ách tắc QL1A chiều 20.4.

Người dân TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) đổ tôm, cá chết ra đường gây ách tắc QL1A.

 

Thả giống 2 - 3 lần vẫn chết sạch

 

Gần 4 tháng nay, khoảng 10 chiếc sà lan cần cẩu khai thác cát hoạt động ngày đêm ở khu vực sông Ông Quảng và Cồn Ké gần Cồn Giữa - vùng nước nuôi trồng thủy sản thuộc vịnh Cam Ranh của người dân phường Cam Phúc Bắc. Người dân cho đây là nguyên nhân khiến cá tôm nuôi chết hàng loạt.

 

Trong đơn kiến nghị gửi UBND phường Cam Phúc Bắc ngày 19.4, các hộ dân phản ánh, môi trường nước bị ô nhiễm 

nghiêm trọng, có hộ đã thả giống 2 - 3 lần vẫn bị chết sạch, tôm hùm lồng chết dần chết mòn, số còn lại chậm phát triển vì bị đen mang cháy đuôi, mới đầu vụ đã chết gần 30%. Tình trạng này khiến 400 hộ dân đứng trước nguy cơ phá sản, hiện tại bà con đã ngừng thả giống vì môi trường vẫn còn ô nhiễm.

 

Ông Lê Tiến, phường Cam Phúc Bắc thả xuống 4.000 con cá chim và bớp giống nhưng toàn bộ cá của ông đã chết hết. Ông bức xúc: “Những năm trước cá có chết nhưng không nhiều, chưa bao giờ cá chết thảm thế này. Mỗi con cá giống giá 30 nghìn đồng, thêm tiền thức ăn và các chi phí khác, tui thiệt hại khoảng 125 triệu đồng”. Hàng trăm hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như ông Tiến. Các hộ nuôi tôm hùm thiệt hại ít hơn khi chỉ một phần nhỏ tôm hùm bị chết nhưng cũng thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không chỉ người dân phường Cam Phúc Bắc, mà các hộ dân ở phường Cam Phúc Nam và Cam Nghĩa cũng bị ảnh hưởng từ việc nạo vét trên.

 

Lấy mẫu nước, mẫu cá, tôm chết đi giám định

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Cam Ranh cho biết, trong vịnh Cam Ranh hiện có 2 Cty đang triển khai nạo vét thông luồng lạch là Cty CP đầu tư Cái Mép nạo vét thông luồng để hải quân ra vào lạch trong vùng nước họ quản lý và Cty môi trường Xanh thông luồng để đưa tàu thuyền vào cải tạo sinh thái đầm Thủy Triều. Cả hai Cty đều được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Mục đích hoạt động của các sà lan là nạo vét thông luồng, sau đó được khai thác cát nhiễm mặn bán để thu lợi nhuận, bù đắp các chi phí.

 

Từ tháng 1.2015, hoạt động nạo vét thông luồng bị ngắt quãng vì người dân liên tục phản ứng, Cty môi trường Xanh đã đền bù và di dời cá, tôm của người dân ra khỏi phạm vi 300m tính từ khu vực thực hiện nạo vét. Thời gian qua việc tuyên truyền của chính quyền cơ sở chưa tốt nên nhiều người dân thêm bức xúc vì cho rằng các Cty này chỉ hút cát đi bán, làm ảnh hưởng tới việc nuôi thủy sản.

 

Việc cá chết do ảnh hưởng của nạo vét thông luồng là có cơ sở nhưng chưa có căn cứ khoa học nào để khẳng định, “chúng tôi bảo vệ người dân nhưng phải bảo vệ theo quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.

 

Chiều 20.4, UBND TP.Cam Ranh đã yêu cầu 2 Cty tạm ngừng việc nạo vét. Tại cuộc họp với các địa phương, ban ngành và 2 Cty sáng 21.4, UBND TP.Cam Ranh đã lên kế hoạch mời Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với địa phương và người dân lấy mẫu nước, mẫu cá chết. Việc lấy mẫu sẽ được thực hiện theo phương pháp “dựng lại hiện trường”. “Chúng tôi sẽ yêu cầu 2 Cty thi công trong vòng một ngày dưới đồng thuận của người dân, lấy mẫu nước và mẫu cá, tôm chết trong ngày lúc triều lên, triều xuống để đưa đi giám định”, ông Sơn cho biết.

 

Theo ông Sơn, kết luận giám định mẫu nước, mẫu cá sẽ là cơ sở pháp lý để UBND TP.Cam Ranh bảo vệ người dân. “Nếu đúng việc nạo vét làm cá, tôm chết thì chúng tôi yêu cầu các công ty bồi thường cho người dân. Thành phố có thẩm quyền yêu cầu các công ty dừng nạo vét khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, buộc khắc phục hậu quả nếu có sai phạm. Nếu sai phạm nhiều lần thì chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền đã cấp phép cho 2 công ty đình chỉ hoạt động nạo vét”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Theo báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo