Môi trường

Dán nhãn năng lượng: Lợi thế cạnh tranh mới

Ngày 9/4, bản hướng dẫn chi tiết về lập hồ sơ đăng ký, thực hiện và báo cáo thực hiện dán nhãn năng lượng đối với bốn nhóm sản phẩm gồm điều hòa không khí, tủ lạnh, nồi cơm điện và quạt điện đã được Tổng cục năng lượng chính thức công bố.

Cụ thể, nhãn năng lượng áp dụng cho các sản phẩm là nhãn năng lượng so sánh theo 5 cấp được quy định trong bộ tiêu chuẩn Việt Nam, theo đó cấp 1 (1 sao) là mức tối thiểu (MEPS) và cấp 5 (5 sao) là cấp có hiệu suất năng lượng lớn nhất.

 

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp có quyền sử dụng nhãn năng lượng so sánh dán hoặc in trên sản phẩm, bao bì và trên cataloge, tờ rơi để quảng cáo... Hàng năm doanh nghiệp được cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng phải lập báo cáo theo mẫu để gửi về Bộ Công thương.

 

Theo đó, có bốn nhóm ngành hàng ưu tiên dán nhãn năng lượng "Ngôi sao năng lượng Việt" bao gồm nhóm thiết bị gia dụng, nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, nhóm thiết bị công nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải. Bốn dòng sản phẩm gồm điều hòa không khí, tủ lạnh, nồi cơm điện và quạt điện nói trên được tính trong nhóm thiết bị gia dụng.

 

Nhãn năng lượng là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công thương quy định theo từng thời kỳ.

 

Đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp, việc dãn nhãn năng lượng tự nguyện được khuyến khích thực hiện đến hết ngày 31/12/2012. Từ ngày 1/1/2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc.

 

Bộ Công thương cũng khuyến cáo rằng doanh nghiệp nên sớm nộp hồ sơ để được chứng nhận dán nhãn năng lượng trước ngày 1/1/2013, và nộp càng sớm càng tốt, tránh để sản phẩm phải dán nhãn mà lại không có nhãn lưu thông sau ngày 1/1/2013.

 

Nhận thấy đây là một lợi thế cạnh tranh, rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội quảng bá lợi thế tiết kiệm của sản phẩm để cạnh tranh, nhất là trong thời kỳ giá cả ngày cang tăng cao như hiện nay nên nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc rất nhanh.

 

Theo ông Trần Trung Kiên, Tổng giám đốc công ty Benny Việt Nam Electronics Inc, Việt Nam là một đất nước đang phát triển với tốc độ cao nên nhu cầu về năng lượng ngày càng cấp thiết. Nếu như chúng ta không có định hướng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả thì trong một tương lai không xa Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khủng hoảng thiếu về năng lượng rất trầm trọng.

 

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Lê, đại diện Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Hitech, để các doanh nghiệp sản xuất ra được những sản phẩm tiết kiệm năng lượng đòi hỏi sự đầu tư lớn về mặt công nghệ, nghiên cứu. Đây sẽ là một rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tài chính tương đối khó khăn hiện nay. Nhưng trong tương lai, nó sẽ giúp các doanh nghiệp có tư duy đổi mới tiến xa hơn và cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường.

 

Đại diện doanh nghiệp phân phối điện máy HomeStar ở Hà Nội cũng cho rằng, với nhãn mới, người tiêu dùng cũng có thể dựa theo các tiêu chí đánh giá của Bộ Công thương để lựa chọn được sản phẩm tốt, tiết kiệm năng lượng.

 

Hiện tại có rất nhiều sản phẩm chất lượng kém, tiêu thụ nhiều nhiên liệu nhưng được bán với giá thành hạ  nên người tiêu dùng không thể phân biệt được. Bằng tem nhãn "Ngôi sao năng lượng Việt" và cấp độ đánh giá, người tiêu dùng có thể tìm được sản phẩm ưng ý.

 

Đón đầu cơ hội này, ông Kiên cho biết, ngay từ trước khi có Quyết định 51, nhiều công ty đã tập trung nghiên cứu, đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt và tiết kiệm năng lượng. Doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư mạnh hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để sớm đưa ra thị trường những sử dụng năng lượng hiệu quả.

 

Theo ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng thuộc Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết theo Quyết định 51, có khoảng 13 loại phương tiện, thiết bị bắt buộc phải dán nhãn khi đưa ra thị trường.

 

Trong năm 2012, Bộ Công thương sẽ xây dựng các dự án, chương trình hợp tác dài hạn về tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, ông Kim nhấn mạnh.

 

Theo VEF

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo