Pháp luật

Dân phải “làm luật” mới bán được mía

Rất nhiều hộ dân thuộc vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) đang lâm vào tình cảnh muốn chặt, muốn bán mía cũng không được, mà phải “làm luật” mới được bán.

 

Hiện đang có hàng trăm tấn mía của nông dân tại các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc đã chặt đang chất đống ở ruộng.

 

Mía biến thành củi khô

 

Những ngày này, dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ngọc Lặc dẫn vào Nhà máy Đường Lam Sơn, thuộc thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) đang có hàng trăm đống mía xếp chồng cao ngất, rồi cả những đống mía nằm chình ình dưới ruộng. Đây là những đống mía mà nông dân chặt cách đây hơn 1 tháng, nhưng chưa được nhà máy điều xe đến chở. Vì vậy, nhiều lô mía hiện đã bị rỗng ruột, cộng với nắng nóng như đổ lửa nên mía khô héo thành… củi.

 

Anh Trương Văn Thắng ở thôn Minh Thành, xã Minh Tiến (huyện Ngọc Lặc) trồng hơn 2ha mía, nay mới bán được khoảng 30%. Anh Thắng dẫn tôi ra bãi mía đang dần chết khô, xếp phơi nắng chờ xe hơn nửa tháng nay, ngao ngán nói: “Cứ cái đà nắng này, nếu vài ngày nữa nhà máy không chở đi có khi chỉ cần mồi lửa là cả đống mía thành than. Mía ở đây vẫn còn nhiều lắm. Thế nhưng, mỗi tháng, các chủ thầu chỉ chở cho có 1 chuyến”.

 

Tại xã Minh Tiến hiện có khoảng 14 chủ thầu với khoảng 140ha mía, riêng thôn Minh Thành có tới 5 chủ thầu. Anh Trương Văn Hồng - một chủ thầu và cũng trồng gần 3ha mía cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn như các hộ khác.

 

Anh Hồng cho biết: “Chủ thầu ra ký hợp đồng với nhà máy, rồi kêu gọi các nhà góp đất vào trồng. Sau khi thu hoạch, các hộ “chân rết” phải trả thù lao cho chủ thầu 15.000 – 20.000 đồng/tấn mía. Nhà tôi thầu hơn 30ha mía của 70 hộ dân, mọi năm đến khoảng tháng 2 là bán hết mía, nhưng năm nay mãi tháng 3 nhà máy mới cho lệnh chặt”. Hiện gia đình anh Hồng mới thu hoạch được khoảng 50% diện tích mía.

 

Có trách nhiệm của nhà máy

 

Tại xã Xuân Lam, Xuân Thắng (Thọ Xuân), nhiều hộ dân cũng đang không bán được mía. Khắp hai bên đường, đâu đâu cũng thấy những đống mía đang khô dần vì nắng. Anh Lê Văn Hùng ở xã Xuân Lam cho hay: “Nếu mía chặt ra 3 – 5 ngày mà không chở đi cân cho nhà máy, mỗi tấn hao ít nhất 100-150kg, còn để cả tháng ngoài trời nắng như thế này, có khi 1 tấn, hao chỉ còn 500-600kg. Mà vụ trước nhà máy chưa thu hết, kéo sang vụ này, đáng lẽ phải thu hoạch xong từ tháng 1”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người trồng mía ở đây phải chịu nhiều thiệt hại. Cách đây vài tháng, nhà máy đưa phân bón về cho người dân trồng mía.

 

Nhưng theo người dân thì phân kém chất lượng nên mía kém phát triển. Không chỉ vậy, để xuất được mía, người dân còn phải “làm luật”. Trước kia, cứ có lệnh chặt, chỗ nào xe ô tô có thể vào được là lái xe đánh lên, nhưng nay người dân phải vác mía ra tận đường lớn mới bán được, từ đó chi phí vận chuyển đã bị đội lên rất nhiều.

 

Một số hộ cũng phản ánh, để được chở mía, chủ mía phải bồi dưỡng cho mỗi lái xe từ 100.000 – 200.000 đồng. Khổ nhất là những hộ lỡ chuyến còn dư 1 – 2 tấn, nếu chờ ghép xe với các hộ khác thì lâu, nắm bắt điểm này nhiều lái xe đã ra giá nếu bốc thêm phải bồi dưỡng ít nhất 200.000 đồng/tấn. Anh Trương Văn Đông (thôn Minh Thành, xã Minh Tiến) kể: “Cuối tháng trước tôi bán 1 xe, còn gần 2 tấn, lái xe bảo đầy không bốc nữa. Tôi phải chi 300.000 đồng, anh ta mới bốc nốt”.

 

Ông Vũ Văn Đại - cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, phụ trách xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) cho hay: “Việc mía tồn đồng chưa kịp thu hoạch hoặc dân chặt mía ra mà xe chưa kịp bốc để khô là có. Tuy nhiên, một phần do thời gian gần đây trời nắng nóng, nên mía chặt ra vài ngày mà xe không kịp bốc là héo khô ngay. Một phần do trục trặc, nhà máy 2 của công ty đi vào sản xuất chậm tiến độ gần 2 tháng so với kế hoạch, nên lượng mía tồn nhiều, lượng xe điều động không thể kịp vận chuyển một lượng mía lớn như vậy”.

 

Riêng xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) có khoảng 170ha mía, nhưng chỉ có 4 xe/ngày nên không thể kịp vận chuyển hết lượng mía.

 

Ông Phạm Văn Chinh - Chủ tịch Công đoàn, người phát ngôn của Công ty CP Mía đường Lam Sơn thừa nhận tháng 2 - 3.2012 có việc giao phân bón giao kém chất lượng cho người dân. Thời điểm đó mưa nhiều, lượng mùn từ nhà máy không phơi được dẫn đến phân ẩm, kém chất lượng...

 

Sau khi người dân phản ánh, công ty đã đầu tư dây chuyền sấy để xử lý lượng phân trên. Còn về việc ký lệnh chặt mía, ông Chinh cho biết là do Phó giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu quyết định. Khi có lệnh, các hộ mới được chặt mía và công ty sẽ điều xe đến chở về nhà máy. Việc điều chỉnh lệnh chặt còn phụ thuộc số lượng, chất lượng của vùng nguyên liệu...

 

 

Theo DV

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo