Dân Thị xã Hồng Lĩnh 'kêu trời' vì chính quyền "quên" lập phương án tái định cư?
Chợ thị xã Hồng Lĩnh được xây dựng từ năm 1995 và đi vào hoạt động năm 1997, với quy mô 10.963,9 m2. Với tuổi đời và quy mô như vậy, Chợ thị xã Hồng Lĩnh cũ không đủ đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân địa phương. Chợ thị xã Hồng Lĩnh cũ được xây dựng giữa ngã ba, ngay trung tâm của thị xã nên ảnh hưởng rất nhiều tới cảnh quan đô thị, môi trường và an toàn giao thông.
Mới đây, dự án Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 869/QĐ-UBND ban hành ngày 31/3/2014 với tổng diện tích đất sử dụng là 57.760m2.
Tháng 9/2013, Công ty TNHH Như Nam đã có dự án xin đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp và siêu thị Hồng Lĩnh bằng hình thức đầu tư công tư kết hợp (PPP) và được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 18/4/2014, phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định 1211/QĐ-UBND ngày 29/4/2014.
Dự án có tổng vốn đầu tư 372 tỷ đồng, được huy động bằng hình thức xã hội hóa đầu tư. Dự án trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh là cấp thiết, đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển đi lên của thị xã. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án cũng như quyền lợi của những hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án này.
Theo đơn gửi các cơ quan báo chí, ông Trần Công Nghệ (một trong số 17 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh) phản ánh về sự không thống nhất trong phương án tái định cư của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong Thông báo số 14/TB-UBND ngày 28/01/2015 về kết luận của ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh tại cuộc họp xử lý một số vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường GPMB Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh có ghi rõ: “…Nhà đầu tư (Công ty TNHH Như Nam) đã thống nhất với UBND thị xã phương án ưu tiên các hộ có đất trong vùng dự án (có nhu cầu) được mua đất theo quy hoạch trên khu đất đã được UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư theo giá Nhà nước quy định”.
Thế nhưng, đến ngày 15/5/2015, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án lại có Thông báo số 03/TB-HĐBT về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thị xã (ông Nguyễn Văn Hải) với nội dung: “Việc các hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản trên đất, đang sinh sống trong khu vực xây dựng Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh đề xuất tái định cư tại khu đất ở liền kề thuộc công trình là không đúng với quy định, ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và chức năng của dự án”.
Nguyên nhân dẫn đến không có sự thống nhất phương án tái định cư của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh là do trong quá trình lập dự án, cơ quan này đã “quên” việc lập kế hoạch tái định cư. Điều này được nêu rõ trong Thông báo số 188/TB-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh: “…Do chưa có kế hoạch tái định cư trong quá trình lập Dự án nên tiến độ GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư còn chậm so với yêu cầu (đang còn 4.021m2 chưa bàn giao), đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch của nhà đầu tư; việc này thuộc trách nhiệm của UBND thị xã Hồng Lĩnh”.
Ông Nghệ cho biết, gia đình tôi thuộc diện chính sách, với mức thu nhập của thương binh gia đình không thể đáp ứng đủ cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi phải sống bám vào nguồn kinh doanh tạp hóa ngay tại gia đình. Tôi sẵn sàng di dời nơi ở với điều kiện được bồi thường thỏa đáng và nơi ở mới phải bảo đảm cho cuộc sống của gia đình.
Ngày 20/5/2015, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh lại ra văn bản số 03/PABT về phương án tái định cư đối với 17 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.
Theo phương án này thì 12/17 hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản gắn liền trên đất và đang sinh sống trong khu vực bồi thường GPMB sẽ được UBND thị xã Hồng Lĩnh bố trí tái định cư tại khu dân cư đường phía Nam của Bệnh viện thị xã (thuộc phường Đức Thuận) với diện tích mỗi suất đất là 160m2 và phải nộp tiền sử dụng đất tương ứng 160 triệu đồng/suất. Đối với 5 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nhưng không thuộc diện tái định cư sẽ được ưu tiên cấp cho mỗi hộ một suất đất tại phường Nam Hồng với diện tích 120m2 và phải nộp tiền đất cho mỗi suất là 144 triệu đồng.
Về phương án này, anh Nguyễn Thế Thức (cũng là một trong số những hộ gia đình thuộc diện di dời tái định cư để nhường đất cho Dự án) cho biết: “Khu vực tái định cư nằm xa trung tâm, lại là vùng ao hồ sâu trũng nên số tiền bồi thường, hỗ trợ không thể đủ để gia đình tôi vừa nộp tiền sử dụng đất, san lấp mặt bằng và xây nhà mới.
Theo biên bản áp giá bồi thường số 04/BBAG-HĐBT được lập ngày 04/6/2015 thì gia đình anh Thức được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng 1,3 tỷ đồng cho 100m2 đất ở, 20m2 đất vườn cùng ngôi nhà 2 tầng và các công trình, tài sản khác.
Ngày 12/6/2015, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã ra Quyết định số 749/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của gia đình anh Thức cùng 16 hộ dân khác để phục vụ Dự án.
Tại khoản 3, điều 85 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”. Khoản 3, điều 35 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cũng nêu rõ: “Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu tái định cư phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.
Để thuận tiện trong việc tìm hiểu lấy thông tin viết bài, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ đặt lịch làm việc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh và được vị chủ tịch đồng ý làm việc.
Thế nhưng khi phóng viên từ Hà Nội về làm việc tại trụ sở UBND thị xã Hồng Lĩnh thì ông Hổ bảo bận đi công tác và thừa ủy quyền cho ông Võ Thanh Định - Phó Chánh văn phòng UBND thị xã Hồng Lĩnh tiếp và làm việc với phóng viên.
Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, Ông Võ Thanh Định cho biết, Dự án trung tâm thương mại do UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, thị xã thực hiện giải phóng mặt bằng. Hiện nay toàn bộ đã giải phóng mặt bằng xong, kể cả đất nông nghiệp và các hộ dân. Các hộ dân đề đồng thuận hết cả.
Khi hỏi về tài liệu liên quan đến giải phóng mặt bằng này, vị Phó Chánh văn phòng cho hay, cái này phải được sự đồng ý của chủ tịch UBND thị xã và bên chỗ hội đồng giải phóng mặt bằng. Hiện nay, lãnh đạo UBND thị xã đang đi công tác hết, kể cả chủ tịch và phó chủ tịch. Tôi chỉ có nắm được chủ trương thôi, còn việc chuyên môn cái này phải hỏi các phòng ban, chuyên môn.
Chính quyền thị xã Hồng Lĩnh thực hiện đầy đủ những quy định này khi tiến hành thu hồi đất và lập phương án tái định cư trong quá trình thực hiện Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh hay chưa?
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tin tức và gửi thông tin mới nhất tới bạn đọc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo