21 hộ dân vừa chính thức nộp đơn yêu cầu Công ty CP Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại, nâng tổng số hộ đòi bồi thường lên 271 hộ với số tiền gần 19 tỉ đồng
Ngày 24/2, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai, cho biết vừa nhận 21 đơn của người dân ấp Long Khánh 2 đòi Công ty CP Sonadezi Long Thành (thuộc Tổng Công ty Sonadezi Đồng Nai) bồi thường thiệt hại với số tiền gần 2,7 tỉ đồng.
Trong khi đó, 250 lá đơn của những hộ dân xã Tam An, nơi được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xả thải của Sonadezi, được gửi đi đến nay đã 7 tháng nhưng vẫn chưa có… hồi âm.
Người dân than trời
21 hộ dân ấp Long khánh 2, xã Tam Phước nằm kề bên xã Tam An cùng mưu sinh nhờ vào vườn tược, ao đìa và việc đánh bắt tôm cá. Nơi đây là đoạn cuối của rạch Bà Chèo đen đặc và hôi thối đổ xuống rồi chia thành hai nhánh mà người dân gọi là rạch Bà Quạ và rạch Bà Bông. Các con rạch này ăn thông với nhau, cùng chung con nước ròng, nước lớn. Theo người dân, những ngày rạch Bà Chèo hôi thối thì khu vực ấp Long Khánh 2 cũng…chung số phận!
Làm ăn gian dối Công ty CP Sonadezi Long Thành nhận xử lý nguồn nước thải tập trung cho khoảng hơn 40 doanh nghiệp (với mức phí 0,32 USD/m3) trong khu công nghiệp Long Thành. Vào đêm 3/8/2011, trinh sát Cục cảnh sát điều tra Tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) đã bắt quả công ty này xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Sau đó, C49 có kết luận điều tra ban đầu cho thấy mức độ ô nhiễm trong nước thải xả ra môi trường của Sonadezi Long Thành vượt từ 5 đến 10 lần so với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, với khối lượng từ 5.000 m³ đến gần 10.000 m³/ngày đêm. Đáng chú ý, một số mẫu nước thải qua phân tích đã phát hiện có hai chất thải nguy hại được xếp loại cực độc, đó là kẽm và kim loại nặng cadmium (Cd). |
Anh Nguyễn Văn Sự, một trong 21 hộ dân vừa nộp đơn lên Ủy ban Nhân dân xã Tam Phước, cũng là người kê khai thiệt hại lớn nhất trong khu vực, dẫn chúng tôi đi khắp khu vườn rộng gần 4.500 m2, trong đó có nhiều loại cây đã chết khô, nói như mếu: “Thu hoạch cứ bị hụt từng ngày nhưng không biết kêu ai, không biết do đâu, nay kêu lên rồi cũng chưa biết kết quả sẽ thế nào”.
Cạnh khu vườn nhà anh Sự là của ông Lê Văn Một, theo quan sát của chúng tôi cũng thiệt hại nặng nề, nhiều gốc sầu riêng chết khô đã bị đốn, một số đìa cá bị bỏ hoang mới được đắp trở lại. Còn ông Hồ Kim Thu, một người sinh sống lâu năm ở đây, cũng than thở: “Thu nhập cứ hụt dần, cây trái chết, tôm cá bỏ đi mà chúng tôi chẳng biết vì sao”…
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, hầu hết các đơn của người dân đều cho rằng khả năng do nước thải chưa qua xử lý của Công ty Sonadezi theo rạch Bà Chèo đến rạch Bà Quạ rồi ngấm vào đất, đã đuổi sạch tôm cá và giết chết dần vườn tược của họ.
Chờ “dài cổ”
Trong khi đó, tại xã Tam An, 250 hộ dân “kiện” Sonadezi kể từ hôm nộp đơn lên xã đến nay vẫn chưa được trả lời. Ông Lê Văn Mãi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, bức xúc: “Người dân cứ tìm tôi để hỏi giải quyết như thế nào, ở mức độ nào thì cũng phải nhanh chóng trả lời chứ không thể lần lữa mãi”.
Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cũng cho hay: “Chúng tôi chờ kết quả khảo sát, kết luận từ Sở Tài nguyên – Môi trường và các bên liên quan để trả lời dân, bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai và Viện Tài nguyên - Môi trường (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đang thực hiện khảo sát và kết luận tình trạng ô nhiễm tại khu vực Sonadezi xả thải) hiện vẫn chưa có kết quả đánh giá mức độ thiệt hại chính thức.
Chiều 24/2, trở lại khu vực rạch Bà Chèo, xã Tam An, chúng tôi lại gặp thái độ bức xúc của người dân. Ông Kiều Hoàng Anh, trưởng ấp 2, xã Tam An, cho biết do quá bức xúc nên nhiều người dân còn đòi… lấp cả cống của Sonadezi, nơi từng bị phát hiện xả thải “bẩn”. Ông Anh phải đứng ra động viên, can ngăn.
Ông trưởng ấp còn cho biết “thỉnh thoảng khi con nước lên chúng tôi vẫn còn nghe mùi hôi thối, có vẻ như Sonadezi vẫn không ngừng xả thải trộm”.
Tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến một chốt bảo vệ của Công ty CP Sonadezi vừa được dựng lên, nhân viên bảo vệ ngày đêm túc trực. Chiều 24/2, chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Thành, để tìm hiểu thêm sự việc, tuy nhiên ông Tuấn chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi sẽ trả lời vào dịp khác!”.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, hiện tổng cộng 271 hộ dân xã Tam An và Tam Phước đòi Sonadezi bồi thường với số tiền gần 19 tỉ đồng.
Theo SGTT