Dân tin Trạm xá quân-dân-y kết hợp
Sau 10 năm triển khai Chương trình “Trạm xá quân-dân-y kết hợp”(Q-D-Y), Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, góp phần tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tật cho nhân dân và được nhân dân tin tưởng. Nhờ đó, phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" đang được các chiến sĩ quân hàm xanh hiện thực hóa nơi vùng biên giới.
Bộ đội Cụ Hồ giúp dân nhiều lắm…
Là một trong hàng nghìn người dân được hưởng lợi từ chương trình Q-D-Y, chị Đàm Thị Lộc (ở thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) phấn khởi cho biết: “Bộ đội Cụ Hồ giúp dân nhiều lắm. Từ khi các anh biên phòng về trạm xá, bà con trong vùng không phải vất vả đi xa đến tận trung tâm huyện để khám chữa bệnh như trước nữa. Y bác sỹ có ngay tại bản mình, xã mình rồi, thuận lợi lắm, cứ được khám sức khỏe định kỳ là yên tâm rồi”.
Cùng niềm tin như chị Lộc, nhiều người dân ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn cũng luôn dành tình cảm biết ơn, trìu mến như thế với những người lính mang quân hàm xanh.
Bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dài hơn 230km, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn quản lý 21 xã, thị trấn của 5 huyện biên giới. Nơi đây địa hình rừng núi chia cắt phức tạp, hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn, người dân thì trình độ dân trí còn thấp, điều kiện ăn ở còn thiếu thốn, khó khăn… Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Biên phòng Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà con vùng biên giới.
Thượng tá Phan Đăng Phượng, Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ tại đây thường tổ chức những buổi tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho bà con ở khu vực biên giới. Đồng thời khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân, tạo được niềm tin cho bà con nhân dân ở khu vực biên giới”.
10 năm qua, Bộ đội biên phòng Lạng Sơn đã triển khai xây dựng 7 trạm xá theo mô hình Q-D-Y đặt tại các đồn Biên phòng Pò Mã, Bình Nghi, Na Hình, Ba Sơn, Chi Ma, Chi Lăng và Bắc Xa. Ngoài ra, có 11 Ban quân dân y kết hợp cụm dân cư giữa các đồn biên phòng với các xã trên toàn tuyến biên giới, góp phần chăm sóc tốt sức khoẻ ban đầu cho nhân dân vùng giáp biên.
Trạm xá Q-D-Y luôn nỗ lực vì đồng bào
Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, các đơn vị bộ đội biên phòng Lạng Sơn đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 9.000 lượt người, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trị giá trên 70 triệu đồng và tiêm chủng mở rộng cho hơn 6.300 trẻ em. Riêng trong 10 tháng năm 2012, lực lượng quân y của Bộ đội biên phòng Lạng Sơn đã tổ chức truyền thông giáo dục sức khoẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân tại địa bàn các xã biên giới trên 1.500 lượt người; tiêm chủng mở rộng cho gần 700 trẻ em, tẩm màn phòng chống sốt rét 1.300 chiếc.
Cán bộ quân y thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho dân
Cùng với công tác khám, điều trị ban đầu cho dân, biên phòng Lạng Sơn còn đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng cho trên 5.000 lượt người về cách vệ sinh phòng chống dịch bệnh sốt rét, cúm gia cầm, HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác kế hoạch hoá gia đình... Hằng năm, đội ngũ làm công tác quân y tại các đồn đã triển khai phối hợp với các trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí vào các dịp kỷ niệm ngày Biên phòng toàn dân, ngày Thương binh, Liệt sĩ...
Là người trực tiếp kết hợp làm công tác quân y tại các trạm xá Q-D-Y, Trung úy Đỗ Văn Trình, y sỹ đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: “Anh em chúng tôi ở dưới xuôi lên, ban đầu không biết tiếng dân tộc nên anh em rất khó khăn trong việc vận động, thăm khám cho bà con. Sau đó, cấp ủy, Chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho vừa học tiếng dân tộc vừa giải thích cho bà con để bà con có thể hiểu và làm theo”.
Thực hiện chương trình Q-D-Y còn một khó khăn đặc biệt nữa, theo Thượng tá Lê Văn Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma, đó là lượng bác sĩ quá mỏng, trình độ y sỹ chưa cao; chưa được thường xuyên tiếp cận học hỏi về các loại bệnh tật mới phát sinh… Song song đó, tình trạng thiết bị thiếu, chưa hiện đại đủ để đáp ứng yêu cầu công tác khám chữa bệnh, cấp cứu kịp thời, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện cấp cứu lên các tuyến trên còn chậm.
Thượng tá Khánh lấy ví dụ: Có những ca bị tai nạn, mặc dù trạm xá Q-D-Y đã nỗ lực cấp cứu kịp thời, nhưng máy móc thiết bị thiếu, trình độ va chạm thực tế về chuyên môn của cán bộ quân y chưa sâu nên kết quả cấp cứu ban đầu còn hạn chế.
Do vậy, mong muốn của những người lính quân hàm xanh là tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để có thể đảm đương được việc khám, điều trị tại chỗ nhiều loại bệnh cho người dân vùng biên. Hiện các Đồn biên phòng ở Lạng Sơn chỉ có quân y sỹ, nên công tác chẩn đoán và khám chữa bệnh ban đầu còn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá trạm xá Q-D-Y đã hoạt động đều đặn, thuận tiện cho bà con, ông Lý Văn Hùng (thôn Bản Khoai, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cũng chia sẻ khó khăn với cán bộ chiến sĩ quân y tại trạm, và đề nghị: Nhà nước cần quan tâm hơn nữa cho Trạm, các cán bộ quân y cần được học cao hơn nữa đề về khám chữa bệnh tốt hơn nữa, giúp bà con có sức khỏe tốt để lao động sản xuất.
Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng các trạm xá Q-D-Y ở vùng biên giới Lạng Sơn vẫn tiếp tục nỗ lực vượt khó để là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy cho người dân, được dân tin yêu, quý trọng/.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo