Dân tỉnh lẻ khổ sở vì giá xăng
“Dưa hấu ế chưa giải quyết xong lại đến hành… nông sản thi nhau rớt giá, không bán được, đã thế từ đầu năm đến giờ giá điện, xăng lại tăng khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ”, anh Nguyễn Xuân Định - người trồng rau ở vựa rau ven biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chia sẻ.
Nông sản mất giá, phí vận chuyển "bốc hỏa"
Theo anh Định, hiện nay hầu hết nông dân vùng biển Quỳnh Lưu đều e ngại việc tăng giá hàng loạt các chi phí đầu vào. Dải đất hẹp miền Trung vào mùa nắng nóng và ít mưa, nước phải bơm tưới liên lục. Để những ruộng hành, cà chua và những nông sản khác “giải khát”, nước ngọt phải được tưới liên tục. “Giá điện mới tăng chưa lâu đã gây khó cho nông dân. Giờ giá xăng tăng liền hai lần quả thật mệt mỏi quá. Những chuyến hàng chở nông sản của chúng tôi từ đây vào TP Vinh lại phảităng chi phí. Giá nông sản thì không thể tăng lên, hàng ùn ứ không bán được, lại còn chi phí điện nước, xăng dầu lấy gì bù vào”, anh Định nói đầy lo lắng. Trồng 4 sào đất gồm hành, ớt và các loại rau trên bãi, anh tính mỗi tháng chi phí cho điện, xăng dầu để tưới tiêu và vận chuyển đã tốn tiền triệu.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, chủ hồ tôm ở cánh đồng Hói Nồi thuộc huyên Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều người nuôi tôm đang có xu hướng giảm diện tích nuôi vì lãi thấp hoặc không có lãi. “Các đầu mối chỉ mua tôm của chúng tôi với giá 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg, trong khi trước đây thấp nhất là 100.000 đồng. Với mức giá hiện nay, người nuôi tôm không có lời. Đó là tôi còn tính trong trường hợp thắng vụ. Còn trường hợp tôm ốm phải xuất non thì phải 2 lứa tôm sau thắng lớn mới bù được lỗ. Rủi ro vô cùng”, anh Tuấn cho biết.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, anh Hồ Xuân Tâm, chuyên cung cấp thức ăn gia cầm tại địa bàn các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương của tỉnh Nghệ An cũng kêu trời vì giá xăng đột ngột tăng cao. “Giờ giá xăng lại tăng cao, chi phí vận chuyển tăng, nhưng chúng tôi không thể tăng giá bán cám được, bởi khách hàng hiện có rất nhiều sự lựa chọn”, anh Tâm cho biết.
Mới đây, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, giá thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng giá xăng, điện. Theo Hiệp hội này, giá điện tăng 7,5%, cũng như giá xăng dầu vừa lại tăng 2.000 đồng/lít hiện nay có thể đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng 3-5% trong thời gian tới. “Người chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất, thua lỗ do giá xuất chuồng thấp. Chi phí đầu vào tiếp tục tăng lên. Áp lực lại đè lên những người trong nghề như chúng tôi”, anh Tâm nói thêm.
Dầu chưa tăng giá, đã “sốt vó”
Bờ biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chỉ cách quốc lộ 1A vài cây số. Ngư dân vùng biển nghèo này không khỏi lo lắng trước sự tăng giá của xăng dầu. “Chuyện ngư dân làm không đủ ăn trở nên quá bình thường. Chuyến này đi thất thu thì chờ chuyến sau. Hải sản gần bờ ngày càng khan hiếm, đi xa phải có vốn lớn. Tuy xăng tăng, dầu còn giữ giá nhưng liệu giữ giá còn được bao lâu? Qua đài báo thấy giá dầu thế giới tăng không ngừng mà hoảng quá”, anh Phan Văn Thuyến, một ngư dân ở xã Hải Châu cho biết. Theo tính toán của ngư dân này, trung bình mỗi chuyến đi biển kéo dài 15 ngày, tàu công suất hơn 800 CV nơi anh làm việc, tiêu thụ 5 nghìn lít dầu diesel. Lần tăng giá dầu ngày 11/3 vừa qua đã làm chi phí đã tăng lên gần chục triệu đồng mỗi chuyến đi biển.
Anh Thuyến cho biết thêm, những tàu chuyên hành nghề câu mực xa như tàu anh đang làm thuê có đặc thù bám biển nhiều tháng trời. Giá dầu tăng hôm 11/3 kéo theo giá cả nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo nên chi phí mỗi chuyến đi lên tới 35-40 triệu đồng.
“Hôm 5/5, tuy giá dầu không tăng nhưng chúng tôi vẫn lo. Lo là lo cho sắp tới dầu đột ngột tăng”, anh Thuyến nói.
Thực tế, chi phí giá xăng dầu tăng kéo theo các loại vật tư, tiền nhân công tăng theo, trong khi giá sản phẩm khai thác được không tăng, thậm chí bị ế nếu sản phẩm đi biển dài ngày không được bảo quản tốt. Do chi phí xăng dầu có xu hướng tăng cao nên ngư dân rất lo tàu phải nằm bờ, hoặc phải đánh bắt gần bờ cho sản lượng, chất lượng sản phẩm không cao, ngư dân bị thua lỗ là chuyện dễ xảy ra.
Cước vận tải “nhìn trước ngó sau”
Mặc dù nhiều người lo ngại giá cước vận tải sẽ tăng theo giá xăng, các hãng taxi khẳng định chưa có kế hoạch tăng giá cước trong ngắn hạn. Đối với các hãng vận tải đường dài sử dụng dầu, giá cước không thay đổi do giá dầu vẫn được giữ nguyên. Lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá cước của các doanh nghiệp taxi, vận tải trong thời gian tới.
Hà Phương/Báo Gia đình & Xã hội
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo