Đăng ký kinh doanh: Vẫn là chuyện luật không theo kịp thực tế
Ngành nghề không biết xếp vào đâu
Khi đăng ký kinh doanh, tổ chức, cá nhân nào cũng muốn chọn ngành nghề đăng ký phù hợp với mục đích hoạt động của mình, tuy nhiên thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề này nhưng văn bản quy định lại không có. Chính vì thế, cơ quan cấp phép tùy từng trường hợp để xử lý.
Một ví dụ cụ thể, thời gian qua có không ít doanh nghiệp đăng ký "dịch vụ phiên dịch" nhưng khi đăng ký lại được chuyển thành "hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác…". Bởi lẽ, trong mã ngành kinh tế Việt Nam không có chữ nào đề cập tới "phiên dịch". Đáng nói hơn, ngay cả ngành nghề khá quen thuộc với quốc gia có nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Việt Nam là "chế biến nông, lâm, hải sản và nghề muối" cũng không được đề cập tới trong bảng mã ngành kinh tế.
Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp chuyên về quảng cáo và dịch vụ thương mại Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ: Ngành nghề đăng ký phụ thuộc nhiều vào ý tưởng của người lãnh đạo, sáng lập, vì vậy có những ngành nghề trong luật không theo kịp với một số ý tưởng mới. Không ít trường hợp khi doanh nghiệp đi đăng ký mà không có ngành nghề theo quy định, phòng đăng ký kinh doanh đã trả lại hồ sơ và yêu cầu chờ hướng dẫn, giải thích. Như thế chẳng khác nào buộc người đi đăng ký phải… "gọt chân cho vừa giày".
Có thể nói, những phát sinh trên thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp xuất phát từ sự phân biệt chưa cụ thể về ngành nghề kinh tế và ngành nghề kinh doanh, trong khi phạm vi điều chỉnh của chúng không hề trùng nhau. Nếu như ngành nghề kinh doanh chỉ bao gồm các hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, thì ngành nghề kinh tế Việt Nam còn bao gồm cả hoạt động không kinh doanh của các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức trong xã hội.
Chỉ nên ghi lại ngành nghề kinh doanh?
Vướng mắc còn được thể hiện ở chỗ văn bản hướng dẫn còn chưa thống nhất với quy định của Luật. Theo Điều 7.1 Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2010/TT- KH - ĐT, ngành nghề kinh doanh trong Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được lựa chọn từ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những trường hợp được quy định tại Điều 7.2 và 7.3 của Nghị định 43/2010/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp.
Trong khi đó, không ít những ngành, nghề mà doanh nghiệp dự định kinh doanh không thuộc những ngành nghề bị cấm hay bị hạn chế kinh doanh có điều kiện nhưng không có trong mã ngành theo Quyết định 10/2007/QĐ - TTg về ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Những quy định này đã gây ra khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Và đây cũng là điểm chưa phù hợp với nguyên tắc về quyền chủ động, tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 8.1 luật Doanh nghiệp 2005.
Đại diện một công ty luật nhận định: "Rất nhiều mã ngành nghề theo Quyết định số 337/QĐ-BKH về việc ban hành Quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, không theo kịp thực tiễn đời sống kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đã lạc hậu dẫn đến rất nhiều ngành, nghề không có trong quyết định này".
Từ thực tế đó, có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, rất cần sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng người dân có quyền đăng ký những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ là thư ký ghi lại những ngành nghề này. Đã đến lúc cần thiết kế việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo nguyên tắc mở để có thể bổ sung những ngành, nghề mới..
Theo Kinh tế đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo