Xã hội

Đắng lòng kẻ mót than Núi Hồng...

Nằm kề với mỏ khai thác than Núi Hồng, không chỉ sống chung với bụi bặm, tiếng ồn, thiếu nước sạch mà từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân gần đây đang phải làm cái nghề chẳng ai muốn: “Mót than”.

Khu khai thác than Núi Hồng, tỉnh Thái Nguyên trước đây vốn là ruộng lúa của nhiều hộ dân ở các xóm Chiến Thắng, Tiền Phong, xóm Mới thuộc xã Yên Lãng, tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, từ khi mỏ than Núi Hồng đi vào hoạt động, người dân ở đây đã bị thu hồi toàn bộ đất ở và đất ruộng.
 
Phải di chuyển sang nơi ở mới nhưng vẫn thiếu đất sản xuất, để có tiền sinh sống hàng trăm người dân ở xã Yên Lãng đã chuyển sang làm nghề “mót than” – cái nghề nhiều hiểm nguy, không ai muốn làm.
 
Chị Kim Thị Hồng, một người mót than, xóm Tiền Phong kể “có những hôm chúng tôi mới mót được tí, đã bị bảo vệ đuổi gần chết”.
 
Vào những giờ nghỉ trưa của công nhân, khi bảo vệ lơ là không kiểm soát, những người phụ nữ của xã Yên Lãng lại bắt đầu “làm việc”. Thời gian “làm việc” của họ đã được mặc định sẵn, đó có khi là vào buổi trưa hoặc vào ban đêm, những lúc mà mỏ than vắng người nhất.
 
Không có đất sản xuất, những người dân ở đây buộc phải đi “mót than”, nếu như trước khi mỏ than đi vào hoạt động, người dân được bố trí đất để canh tác sản xuất, sẽ không có chuyện hàng trăm người dân hàng ngày, hàng đêm xông vào mỏ để lấy than, bất chấp tính mạng của mình. Việc đi mót than của những người dân ở đây cũng chỉ là bước đường cùng.
 
“Bản thân em không muốn đi mót than đâu. Bây giờ bọn em chỉ mong mỏi được đền bù đất, để bọn em có vốn rồi tìm công ăn việc làm ổn định. Chứ cứ như thế này suốt ngày rình mò đi ăn cắp, hôm được hôm không, mót được thì mới có tiền tiêu, không mót được thì không có đồng nào cả”, chị Ninh Thị Yến, xóm Chiến Thắng chia sẻ.
 
Đáng nói hơn nữa, mỏ than Núi Hồng nằm ngay sát làng, người dân ở đây không chỉ phải chịu bụi bặm ô nhiễm, không có nước sạch mà còn bị nhiều hiểm nguy khác đang rình rập tính mạng. Điển hình như căn nhà của chị Duyên, xóm Chiến Thắng thường xuyên chịu sức ép, và các mảnh đá từ mỏ bay về phía nhà mỗi khi mỏ nổ mìn.
 
Từ năm 2008, chị Duyên đã nhiều lần kiến nghị với mỏ rồi chính quyền xã việc này, nhưng chẳng có ai giải quyết. “Mỗi một lần người ta bắn mìn tôi chỉ sợ nhà tôi sập, nên tôi phải ra ngồi sát nơi đặt mìn. Khi nào người ta thôi bắn mìn tôi mới về”, chị Duyên cho biết.
 
Để tìm hiểu chuyện hàng trăm hộ dân xã Yên Lãng bị thiếu đất sản xuất sinh sống, chúng tôi đã tới gặp ông Đinh Ngọc Dũng, chủ tịch xã Yên Lãng. Tuy nhiên ông Dũng đã tỏ thái độ không hợp tác và rất thờ ơ với chuyện này.
 
Ông thẳng thừng từ chối “không làm việc" và tuyên bố, chỉ "khi nào lãnh đạo huyện bảo đồng ý thì tôi tiếp, chứ tôi không làm việc đâu”, ông Dũng nói khi phóng viên tới.
 
Có vẻ như với tình trạng này, việc thiếu đất sản xuất ở xã Yên Lãng sẽ còn kéo dài, lãnh đạo xã sẽ còn thờ ơ và người dân thì sẽ còn gắn bó lâu dài với nghề “mót than” - cái nghề mà người dân ở đây không muốn làm.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VTV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo