Xã hội

Đảng, Nhà nước không có chủ trương che giấu thông tin vụ cá chết

(DNVN) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra vào chiều 30/6.

Theo đó, trả lời thắc mắc của báo chí về việc có thông tin cho rằng ngăn cản không cho báo chí đưa tin? có hay không việc giấu thông tin với nhân dân vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ngay đầu tháng 4, sau khi sự cố xảy ra, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin rất nhiều. Báo chí Việt Nam đã thông tin nhiều chiều, tần suất dày đặc về tình trạng cá chết hàng loạt. 

"Đảng, Nhà nước không hề có chủ trương che giấu thông tin. Không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng, Nhà nước cũng cần biết sự thật; yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc", người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

"Tuy nhiên, sau một thời gian, đối với báo chí trong nước, để tạo thuận lợi cho các cơ quan điều tra, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan truyền thông thực hiện theo đúng Luật Báo chí, giảm liều lượng, không suy diễn, quy chụp để chờ kết luận của cơ quan điều tra. Việc này là cần thiết để tránh những thông tin suy diễn làm ảnh hưởng, gây trở ngại đến kết quả của công tác điều tra".

"Với những sự việc phức tạp và nghiêm trọng như cá chết hàng loạt vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm, điều tra của báo chí không thể thay thế điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học. Tuy nhiên nhìn chung, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã thông tin kiph thời về sự cố này và đã có sự hỗ trợ đáng ghi nhận đối với các cơ quan điều tra để nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm ra thủ phạm", theo vị Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời báo chí.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về toàn bộ diễn biến vụ cá chết hàng loạt. Theo đó, trong tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua,… kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.

Từ các căn cứ nêu trên, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4 vừa qua.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo