Quốc tế

Đằng sau quyết định rút quân khỏi Syria của ông Putin

(DNVN)-Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị rút quân chủ lực khỏi Syria từ ngày 15/3. Ngay sau đó, dư luận quốc tế đã có những phản ứng trái chiều và đặt ra câu hỏi đằng sau quyết định này là gì.

New York Times dẫn phát biểu của ông Putin tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov tại điện Kremlin tối ngày 14/3: "Tôi tin, nhìn chung, những mục tiêu đặt ra cho bộ quốc phòng đã được hoàn thành. Vì vậy, tôi ra lệnh, từ ngày mai 15/3, chúng ta sẽ bắt đầu rút bộ phận chính trong các nhóm quân sự ra khỏi Syria”.

Theo ông chủ điện Kremlin, quyết định rút lực lượng chủ lực Nga ra khỏi Syria là do Matx-cơ-va đã hoàn thành mục tiêu tại đất nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại điện Kremlin hôm 14/3 (Ảnh: AP)

Ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Ông Putin cho biết thêm lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.

Ngay sau khi ông Putin bất ngờ đưa ra quyết định trên, dư luận quốc tế đã có những phản ứng trái chiều. Theo nhận định của giới phân tích, tuyên bố rút quân khỏi Syria có thể là một thông điệp ông Putin muốn gửi đến Syria và các lực lượng trong khu vực về một giải pháp chính trị, giới phân tích nhận định. Đây là bằng chứng cho thấy ông Putin đang gửi một thông điệp tới Syria và các lực lượng trong khu vực để đạt được một giải pháp chính trị.

Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường sự can dự của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin đã thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về quyết định bắt đầu rút quân khỏi Syria. Theo ông Peskov, những gì Tổng thống Putin thảo luận trong cuộc họp với ông Shoigu và Lavrov đều được thống nhất với Tổng thống Assad.

Do vậy, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, sự can thiệp của Nga đã giúp đẩy lùi phiến quân nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng  và củng cố vị thế của ông Assad.

Việc Nga rút quân cũng được cho là sẽ đặt Tổng thống Assad dưới áp lực để đàm phán cuối cùng về quá trình chuyển đổi chính trị hòa bình tại Geneva rằng sẽ đảm bảo sự tiếp nối của một nhà nước Syria.

 

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin để thảo luận “các bước đi tiếp theo” ở Syria ngay sau quyết định rút quân của ông Putin. Nhà Trắng cho biết, ông Obama đã hoan nghênh quyết định của Nga nhưng cũng nhấn mạnh Syria cần một quá trình chuyển tiếp chính trị để chấm dứt nội chiến.

Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đại sứ Angola Ismael Abraao Gaspar Martins nói: “Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin tích cực về việc Nga quyết định bắt đầu rút một phần lực lượng (tại Syria). Khi các lực lượng rút đi, điều đó có nghĩa là cuộc chiến đang có một bước đi khác”.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Washington ủng hộ động thái trên. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, hiện còn quá sớm để biết được ý nghĩa thực sự cũng như việc ông Putin có thực hiện tuyên bố hay động cơ đằng sau việc này. 

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, chưa thấy dấu hiệu lực lượng Nga rút khỏi Syria.

Các nhà ngoại giao phương Tây cũng tỏ ra dè dặt. Họ suy đoán ông Putin đang cố gây áp lực buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chấp nhận chuyển giao quyền lực. “Tuy nhiên, không phải tất cả những gì Nga hứa đều thành hiện thực”, một nhà ngoại giao nói. Ngay trước thềm cuộc hòa đàm Syria ở Geneva bắt đầu ngày 14/3, Damascus nhấn mạnh không được “đụng” đến tương lai của Tổng thống Assad.

 

Sự hoài nghi cũng được phe nổi dậy Syria đặt ra. Fadi Ahmad, phát ngôn viên của Đơn vị Duyên hải số 1 (một nhóm thuộc lực lượng Quân đội Syria tự do đang đóng ở vùng Tây Bắc Syria), bày tỏ thái độ không hiểu thông báo của Nga, bởi theo ông nó quá bất ngờ. 

“Chẳng ai hiểu nổi Putin đang nghĩ gì nhưng ông ta không có quyền ở lại trên đất nước chúng tôi. Họ cứ đi thôi”, người phát ngôn phe đối lập Syria Salim al-Muslat nói.

Về phía Syria, trong một thông cáo phát đi hôm 14/3, chính phủ nước này cho rằng quyết định của Nga là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng và chính xác. Damascus cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, điều này cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Syria.

Nên đọc
NM (T/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo