Đánh giá đúng tiềm năng cây Mắc ca tại Việt Nam
Cây Maccadamia (thường gọi là mắc ca), thuộc loài thân gỗ lớn, quả cứng, xuất xứ từ Australia. Sau đó đã được trồng thử nghiệm tại một số nơi như Hawaii, California và gần hơn là Trung Quốc (mới được trồng phổ biến khoảng 20 năm trở lại đây). Từ năm 2002, mắc ca đã được đưa về thí điểm tại Việt Nam.
Mắc ca cho giá trị kinh tế từ hạt khi đã rang/sấy khô. Theo các kết cả nghiên cứu từ năm 1965 (của Wenkham và Miller), loại hạt này cho rất nhiều giá trị dinh dưỡng thiết yếu: chất béo với hàm lượng cao hơn hẳn so với các loại hạt sau khi rang khô khác (lượng dầu 78%), ngoài ra còn có kali, canxi, hàm lượng nước…Đặc biệt, acid béo trong hạt mắc ca còn là nguyên liệu hiếm để chế biến thành phần mỹ phẩm.
Mắc ca được trồng thí nghiệm ở Buôn Ma Thuột từ năm 2002 bởi viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên do khí hậu nhiệt đới gió mùa nơi đây phù hợp với cây trồng. Với nguồn giống đầu tiên từ Trung Quốc, sau 3 năm cây bắt đầu đậu quả, và từ năm thứ 9, cây cho năng suất hạt tương đương, thậm trí cao hơn tỉ lệ hạt tại các nước đã trồng mắc ca thành công (8kg/cây/năm). Đến nay Viện đã có hơn 20 giống mắc ca được nhập tại các nước trên thế giới (Úc, Thái Lan). Đây là dấu hiệu tốt cho việc phát triển mắc ca quy mô lớn tại một số vùng Tây Nguyên.
Đã có nhiều thống kê về con số thu hoạch mắc ca hàng năm, nhưng nhìn chung, giống cây này cho thu hoạch và lãi suất cao hơn từ 2 – 5 lần so với giá trị cây cà phê. Mắc ca là loại cây dễ trồng, tỉ lệ hao hụt thấp và tuổi thọ dài (khoảng 60 năm), gấp 3 lần tuổi thọ cây cà phê (20 năm). Lượng cầu của mắc ca trên thị trường xuất khẩu cũng rất lớn.
Cho thu nhập cao và dễ dàng trong nuôi trồng nhưng mắc ca vẫn chưa phổ biến ở thị trường trong nước, hiện tại người dân mới chỉ chủ yếu trồng cây lấy quả để ươm giống nên vấn đề đầu ra chưa ổn định và vẫn còn là dấu hỏi lớn. Thêm nữa, nếu đề xuất quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sẽ không tránh khỏi những trở ngại và khó khăn về nguồn vốn ban đầu.
Tại Tây Nguyên, diện tích trồng mắc ca đã lên tới nghìn ha. Cụ thể ở Đắk Lắk, đã trồng thí điểm tại một số huyện nhưng cho hiệu quả không cao do tỉ lệ quả thấp. Nguyên nhân xác định do nhiệt độ không đủ điều kiện để cây phát triển tối ưu nhất nên cây chậm ra hoa và tỉ lệ quả thấp. Nhưng nếu chú trọng nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và chất lượng giống ban đầu, mắc ca sẽ sớm cho hiệu quả mong đợi như những vùng đất đã thử nghiệm thành công khác.
Nhắc đến cà phê – nhớ đến Tây Nguyên. Đây vốn là loài cây nuôi sống cả vùng đất, nhưng theo thống kê dữ liệu của Viện Khoa học nông - lâm nghiệp Tây Nguyên thì ở thời điểm hiện tại, khoảng 1/3 số lượng diện tích cà phê của Tây Nguyên đã giảm năng suất đáng kể do cây bị già cỗi (quá 20 năm tuổi) và không có khả năng phục hồi. Trong vài năm tới, số cà phê còn lại cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng tương tự.
Từ thực trạng cây cà phê cùng tiềm năng kinh tế cao và lâu dài của mắc ca, có thể đề xuất giống cây mới này trở thành cây cho thu nhập chính của vùng. Thời gian cho quả của mắc ca tương đương với cây cà phê (3 – 4 năm), số lượng quả sẽ tăng dần theo tuổi thọ của cây. Cây đạt năng suất ổn định vào khoảng năm thứ 11, 12 trở đi, cho năng suất 12 – 15kg/cây.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu và giữa, nhất là trồng vào những năm đầu tiên, mắc ca được khuyến khích trồng cùng một số loại cây khác để đề phòng rủi ro, đồng thời tăng năng suất và tạo điều kiện phát triển tốt cho cả hai loại cây trồng.
Theo kết quả nghiên cứu của của viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, các diện tích mắc ca được thí nghiệm trồng xen kẽ với cà phê và ca cao đều cho tỉ lệ ra hoa và đậu quả tăng dần theo các năm.
Việc mở rộng quy mô xen canh của mắc ca và cà phê nếu cho hiệu quả cao thì về lâu dài, giống cây này có khả năng thay thế và kì vọng trở thành nguồn thu chính mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân Tây Nguyên thay vì cây cà phê – nguồn khai thác chủ lực trước đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo