Đánh thức con Rồng Việt Nam
Tổ Quốc ta là một con Rồng
Trên thực tế, hình thể đất nước rất quan trọng đối với khát vọng dân tộc. Chẳng hạn ở Anh, người dân nơi đây xem vóc dáng Đất nước mình như một chú sư tử (Lion) dũng mãnh có tiếng gầm vang vọng cả vùng biển Bắc Hải. Và thế là đội bóng Anh, thi đấu vì màu cờ sắc áo quốc gia được nhân dân Anh quốc trìu mến gọi là “đội bóng tam sư”.
Còn ở nước Pháp thì chú gà trống Gô – loa, tô tem tổ của cư dân Đất nước này được xem là hình thể của nước Pháp trong tâm thức dân tộc. Bởi thế người Pháp đã gìn giữ được tính cách dân tộc rất “riêng” và rất “lục địa”.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: Tổ Quốc ta là một con tàu. Mũi thuyền ta đó: Mũi Cà Mau! Cách “ví von” của nhà thơ thật sâu sắc và đầy ý nghĩa. Nhưng tôi lại thích cách “ví von” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hơn. Trong một bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã chiêm nghiệm về hình thể Đất nước Việt Nam như là một nơi đoàn tụ Tiên – Rồng:
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.
(Đất nước, trích “Mặt đường và Khát Vọng”)
Theo tôi, việc dạy hình thể Đất nước Việt Nam bằng biểu tượng lịch sử - văn hóa sẽ góp phần hun đúc thêm lòng yêu nước và ý chí vươn lên của dân tộc.
Bởi qua lăng kính văn hóa – lịch sử thì Đất nước Việt Nam có nét uốn lượn của một con Rồng. Và con Rồng đó cũng rất oai hùng với đủ mắt, miệng, râu, thân và đuôi như bao con Rồng khác.
Chẳng hạn, đầu Rồng chính là miền Bắc với “con mắt” là thủ đô Hà Nội, vùng Thăng Long xưa; râu Rồng chính là là địa danh Long Tu (Quảng Ninh) và miệng Rồng là địa danh núi Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Thân của nó, dĩ nhiên là dải đất miền Trung với nét uốn lượn mềm mại được “điểm tô” bởi các địa danh như Long Cốt (Quảng Ngãi) và cả huyền thoại về vùng đất Tây Nguyên, nơi máu Rồng nhuộm đỏ và tạo nên sự trù phú cho các dân tộc sinh sống nơi đây.
Cuối cùng, đuôi Rồng chính là dòng sông chín nhánh Cửu Long tuôn trào như con Rồng đang quẩy đạp sóng gió ở Biển Đông và khát vọng bay ra biển lớn của dân tộc.
Cũng theo huyền thoại thì dân tộc Việt Nam lại là hậu duệ của Con Rồng cháu Tiên (Đức Long Quân và Mẹ Âu Cơ). Chính dòng máu Rồng của dân tộc Việt Nam đã làm cho hình thể địa lý Việt Nam được “điểm nhãn” và trở thành một con Rồng đúng nghĩa.
Tại sao nước ta lại chưa “hóa Rồng”?
Như vậy, Việt Nam mang hình hài là một con Rồng. Nhưng đáng tiếc, con Rồng Việt Nam vẫn ngái ngủ và chưa vội cất mình bay lên trời cao.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: “Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Chẳng lẽ vì những “chiếc gường” êm ái như Hạ Long, Bái Tử Long, Tụ Long… mà con Rồng Việt Nam vẫn chưa muốn cựa mình, bay nhảy?
Tại sao nước ta chưa “hóa Rồng”? |
Tất nhiên là phải do những nguyên nhân khác. Việc tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và những quyết sách tạo bạo của Chính phủ được đề xướng trong năm Tân Mão sẽ làm cho con Rồng Việt Nam thức giấc? Câu hỏi: Ta là ai? Ta đến từ đâu? Và Ta sẽ đi về đâu? do đó vẫn khiến tôi nghĩ ngợi và trăn trở rất nhiều.
Bởi khác với Liên Xô và các nước CNXH Đông Âu, Việt Nam đã đổi mới “được” và đổi mới khá thành công. Hệ quả Đổi mới là rất khả quan ở Việt Nam. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tình hình chính trị - xã hội ổn định, nền quốc phòng – an ninh vững mạnh và “chiếc chiêng” ngoại giao đã vang vọng hơn trong “Bàn cờ lớn” của thế giới.
Chúng ta cũng đã được thế giới công nhận là một “con hổ” của Châu Á, một nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới. Nhưng tại sao nước ta lại chưa “hóa Rồng”?
Bởi lẽ chúng ta vẫn còn đang phải thực hiện những mục tiêu mà chúng ta đề ra từ nhiều thập niên trước. Chẳng hạn, mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn còn phải chờ đến năm 2020 mới có thể biết được kết quả có được như mong đợi hay không...
NICs đã thực hiện thành công việc “hóa Rồng” để trở thành “những con Rồng nhỏ”. Và chắc chắn con Rồng Việt Nam cũng sẽ thức giấc và bay cao nếu như nó được chúng ta đánh thức đúng cách và đúng thời điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo