Thị trường

Đánh thuế vàng, nên cân nhắc

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiến nghị áp dụng thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. Thông tin này khiến giới kinh doanh vàng, người dân băn khoăn.

Ảnh hưởng đến công nghiệp nữ trang

Bình luận về thông tin này, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Kim hoàn đá quý TP.Hồ Chí Minh - ngán ngẩm: “Tình hình thị trường vàng hiện nay không ổn định, nếu tính thêm thuế đối với mặt hàng vàng thì thị trường sẽ càng khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh vàng dễ rơi vào khủng hoảng. Vàng trang sức sẽ khó tiêu thụ, thị trường vàng miếng sẽ có diễn biến phức tạp hơn trong bối cảnh độc quyền. Điều mà tôi quan tâm nhất hiện nay đó là hơn 20.000 lao động của các
doanh nghiệp, cơ sở kim hoàn sẽ như thế nào. Chúng tôi sẽ có kiến nghị nếu như áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với vàng như ô tô, rượu”.

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) - cho rằng: “Tôi chưa hình dung được thị trường vàng trong thời gian tới sẽ như thế nào nếu như các chính sách thuế được triển khai. Hiện nay, thuế
giá trị gia tăng đã được áp dụng trong lĩnh vực vàng nhưng có mấy doanh nghiệp thực hiện được giấy tờ sổ sách để áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng. Phương pháp này khó thực hiện nên hầu hết các đơn vị kinh doanh vàng hiện nay thực hiện khoán thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng cho những mặt hàng hóa xa xỉ, ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá, rượu bia... Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay cho các mặt hàng này từ 10 - 65%. Trong trường hợp vàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp nhất 10% thì giá vàng trong nước sẽ tiếp tục cao hơn giá thế giới khoảng 4,6 triệu đồng/lượng (tính theo giá vàng ngày 26/10). Ngành công nghiệp nữ trang (sử dụng nhiều lao động) sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu áp dụng chính sách thuế cao đối với lĩnh vực vàng”.

Cần xem xét kỹ

Ông Trần Thanh Hải cho biết: “Thực tế đã chứng minh, khi áp dụng mức thuế cao, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực khó tránh khỏi, đó là thị trường chợ đen, sự thỏa thuận giữa người thực hiện pháp luật và người dân, buôn lậu”. Theo Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các đơn vị mua, bán vàng miếng phải đáp ứng điều kiện có vốn điều lệ 100 tỉ đồng trở lên; số thuế nộp kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm liền (có xác nhận của cơ quan thuế)...

 

 

Giá vàng sẽ tăng cao nếu bị đánh thuế - Ảnh: D.Đ.Minh

Thực tế thì nhiều tháng nay, số tiệm vàng đến cơ quan đăng ký kinh doanh bổ sung thêm dịch vụ cầm đồ tăng lên. Đây không hẳn là dịch vụ cầm đồ thuần túy mà là cách lách luật của các tiệm vàng để mua bán vàng miếng, dưới hình thức cầm rồi trả. Một minh chứng khác, giá vàng SJC cao hơn giá thế giới khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng trong thời gian gần đây cũng là lúc thị trường xuất hiện vàng nhái, giả SJC ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết: “Thuế
giá trị gia tăng đã được doanh nghiệp tính vào giá bán sản phẩm vàng miếng và vàng trang sức. Giờ người dân bán ra thì không thể đánh thuế lần nữa được vì như vậy là đánh thuế 2 lần thuế. Vàng trong dân chủ yếu là vàng miếng được tích trữ từ nhiều năm nay. Việc đánh thuế khi người dân mua bán số vàng này là không phù hợp. Trong trường hợp chỉ đánh thuế các nhà đầu tư vàng thì rất khó có thể phân biệt ai là nhà đầu tư và ai là người dân đem vàng cất trữ ra bán. Hơn nữa, vàng miếng không phải là hàng hóa bị cấm hay hạn chế mua bán theo quy định hiện hành. Vì vậy áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng miếng là không phù hợp. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này”.

Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, việc giao dịch vàng miếng diễn ra bình thường, không có quy định nào hạn chế hay cấm loại hình giao dịch này. Chẳng hạn năm 2010, Trung Quốc đã khuyến khích người dân có khả năng mua vàng tích trữ.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc có tuần bán từ 7 - 15 tấn vàng cho người dân. Lượng vàng miếng tiêu thụ của Trung Quốc năm 2010 tăng 70%, đạt mức kỷ lục 179,9 tấn vàng. Theo ông Trần Thanh Hải, tích lũy vàng là thói quen của người dân từ hàng chục, hàng trăm năm nay. Vàng còn là tài sản dùng để bảo toàn vốn trong thời điểm lạm phát, không phải là món hàng xa xỉ. Chính vì vậy nhà nước cần hết sức cân nhắc trong việc quyết định đánh thuế lên vàng.


                                                   Cần thêm các giải pháp khác

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, ủng hộ chủ trương đánh thuế vàng của
Ngân hàng Nhà nước. Ông cho rằng, đề xuất này là phù hợp cho công tác chống “vàng hóa”, hạn chế nhu cầu mua bán vàng miếng, tránh tác động không tốt tới tỷ giá, thị trường ngoại hối. Áp thuế khiến giá vàng miếng cao hơn giá vàng thế giới, người dân cũng sẽ không có nhu cầu mua bán nữa.

TS Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì cho rằng: Thuế
tiêu thụ đặc biệt là một trong những sắc thuế có mức thuế suất cao, thấp nhất cũng 20%. Nếu vàng miếng phải chịu thuế này, chắc chắn giá sẽ bị đội lên rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng miếng để dần tiến tới xóa bỏ tình trạng “vàng hóa”, tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ và nghiên cứu một cách bài bản. Người dân thường có nhu cầu mua vàng để nắm giữ, vì những năm qua lạm phát luôn ở mức cao, đồng tiền mất giá. Trong trường hợp này, người dân mua vàng vô tình bị đắt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung giá thế giới, như vậy khoản tiền tiết kiệm đó bị hao hụt, bào mòn. Ngân hàng Nhà nước nên tính tới nhiều biện pháp khác mang tính thị trường để xử lý tình trạng vàng hóa, không nhất thiết phải áp đặt lên vàng thuế tiêu thụ đặc biệt như với rượu, ô tô, thuốc lá.

Một lãnh đạo cấp cao của Tổng cục thuế cho rằng, hiện nay kể cả vàng trang sức hay vàng miếng khi mua bán tại các cửa hàng đều phải chịu mức thuế
giá trị gia tăng 10%. Còn việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên vàng thì từ trước tới nay Bộ Tài chính, Tổng cục thuế chưa tính tới. Về nguyên tắc, thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng khi nhà nước muốn hạn chế các mặt hàng xa xỉ, hạn chế tiêu dùng, do đó thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao. Đối với vàng miếng, cần phải cân nhắc xem đó có phải hàng hóa xa xỉ không, có cần hạn chế, có cần thiết phải áp thuế không hay cần có những giải pháp chính sách khác.

Anh Vương


Việt Huế (Theo TNO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo