Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Lỗi lớn thuộc về Tổng thống Erdogan
Đảo chính diễn ra từ 21h30 tối 15/7 (giờ VN) kéo dài đến trưa ngày 16/7 khi nhóm binh sĩ nổi dậy tấn công nhiều địa điểm định trước tại Ankara và Istanbul cho thấy chính sách cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gây ra nhiều bất mãn.
Vài giờ sau khi cuộc đảo chính diễn ra, tờ Guardian (Anh) trong bài viết nhan đề “Làm thế nào mà Erdogan lại châm ngòi căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ” đã phân tích sự khó chịu ngày càng gia tăng trong dân chúng khi họ thất vọng về chính sách cầm quyền của một tổng thống dần dần đã “không còn được lòng dân”.
Thời kỳ đầu cầm quyền, Erdogan được lòng dân chúng, nhưng càng ngày ông càng độc đoán, đi theo quan điểm Hồi giáo hóa đất nước. Trong khi đó, truyền thống của quân đội lại kỳ vọng chính quyền bảo vệ những giá trị truyền thống của đất nước. Chính sách điều hành của Erdogan đã gây chia rẽ đất nước, khiến căng thẳng sắc tộc và giáo phái gia tăng.
Sau hai năm ngừng bắn, Erdogan chủ trương tấn công các phần tử PKK càng làm tình hình thêm phức tạp.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể lập luận rằng họ đã quá kiên nhẫn với ông Erdogan, cho ông thời gian và đã đưa ra một vài cảnh báo trước đó nhưng ông phớt lờ. Thay vào đó, ông thâu tóm mọi quyền hành, xử lý sai các cuộc xung đột nội bộ lẫn trong khu vực và gây ra một cuộc khủng hoảng đe doạ lợi ích quốc gia.
Đó là chưa kể chính sách “bàn tay sắt” của ông Erdogan trong những năm gần đây càng khiến cho ông ngày càng trở nên độc đoán. Điển hình là việc chính quyền đàn áp rầm rộ các nhà báo và những người ủng hộ nhân quyền trong nước.
Ông Erdogan không thể đổ lỗi cho quân đội, theo tờ báo, bởi một trong những thành tựu mà ông đạt được suốt thời gian nắm quyền 2003-2016 (từ thủ tướng tới tổng thống) là thanh lọc lãnh đạo các lực lượng vũ trang để biến quân đội thành cánh tay nối dài của chính quyền.
Tương tự, Tổng thống Erdogan cũng không thể đổ lỗi cho Phong trào chính trị Gulen, hay còn gọi là Hizmet, bởi ông là người leo thang căng thẳng trước. Trong một cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu vào đầu năm 2014, một quan chức cấp cao của EU ở Brussels cũng cho The Guardian hay ông Erdogan bị ám ảnh bởi ý tưởng phong trào Gulen đang tạo ra một nhà nước song song ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu khác cũng bày tỏ quan ngại về sự thất bại của Ankara trong việc ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo từ nước ngoài vào Syria tham gia thánh chiến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối nội và đối ngoại chính quyền Erdogan đều lấn cấn. Theo tờ Guardian, chính ông chứ không ai khác đã châm ngòi thêm vào căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo