Đập thủy điện Sông Tranh 2: Nỗi lo kép
"Giờ thân đập lại chảy nước. Dân và chính quyền Bắc Trà My lo lắng, ai ở Bắc Trà My mới thấy căng thẳng đến mức nào”.
Thông tin về vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện lớn nhất miền Trung trở thành mối quan tâm không chỉ riêng gì của người dân Bắc Trà My (Quảng Nam).
Chiều tối 21/3, Đài phát thanh truyền hình huyện Bắc Trà My phát bản tin thông báo về chuyến khảo sát của đoàn công tác do TS Bùi Trung Dung - Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng làm trưởng đoàn đã kiểm tra chất lượng đập thủy điện.
Cần có các trang thiết bị hiện đại kiểm tra, quan trắc bên trong thân đập có đứt gãy hay không. Chỉ khi nào khẳng định thân đập không có sự cố, không đứt gãy thì những giải thích về nguyên nhân rò rỉ mới an tâm được KS Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam |
Những thông số kỹ thuật, lưu lượng nước, và những kết luận ban đầu được nhanh chóng chuyển tải đến người dân thị trấn Trà My và vùng lân cận.
Người dân chăm chú lắng nghe bản tin ngắn trong đó có chuyện ban quản lý dự án Thủy điện 3 thừa nhận: “Thân đập có vấn đề” và kết luận ban đầu đập thủy điện vẫn đảm bảo an toàn, rò rỉ do thiết kế, thi công và vận hành. Nhưng người dân vẫn chưa thể an lòng.
Anh Trần Văn Kiểm, một hộ dân kinh doanh ở thị trấn Trà My, chăm chú xem tivi, theo dõi báo đài, rồi trực tiếp lên đập xem thực hư. “Đúng là kinh hoàng quá. Thấy cách công nhân dùng bao tải, khoan đục đập, rồi trám thủ công phía dưới thân đập, tôi thấy chưa an tâm”.
Câu chuyện thủy điện Sông Tranh 2, tích nước gây động đất vẫn đang còn làm người dân hoang mang bởi những đợt rung chấn, những tiếng nổ vẫn còn. Chuyện động đất nằm sâu lòng đất, người dân không rõ thực hư. Nhưng chuyện thủy điện rò rỉ nước rõ mồn một, khiến dân vùng núi này lại càng thêm hoang mang.
Những ngày này, ghé bất cứ địa điểm nào từ quán xá, chợ, quán café ... chuyện đập rò rỉ nước là chủ đề chính của người dân bàn tán. Trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My những ngày qua cũng “nóng bỏng”.
Các đoàn từ sở ban ngành, rồi các cơ quan chức năng cao hơn đến tìm hiểu, lãnh đạo huyện Bắc Trà My phải gác lại toàn bộ công việc hành chính để cùng khảo sát kiểm tra, nắm bắt tình hình.
“Từ ngày có thông tin rò rỉ nước ở thân đập đến nay tôi nhận rất nhiều điện thoại. Ngày nào cũng liên tục có người gọi đến hỏi, từ lãnh đạo nhà nước, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, anh em bạn bè. Toàn bộ công việc phải tạm thời gác lại để lo việc đập thủy điện đã. Dân hoang mang, lo lắng, chính quyền làm sao ngồi yên được” - ông Đặng Phong, Chủ tịch huyện tâm sự.
Lỗi của chủ đầu tư Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 22/3, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, những đập thi công bằng công nghệ đầm lăn bao giờ cũng có các rãnh nhiệt. Sai ở đây là do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công đã không xử lý triệt để rãnh dẫn nhiệt đó theo đúng thiết kế. Theo ông Ngãi, để xảy ra việc này, trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư và trực tiếp nữa là ban quản lý dự án và công ty tư vấn điện 1 và các nhà giám sát. “Trên thế giới, đập lớn nhất là Tam Hiệp, còn ở ta lớn nhất là Sơn La cũng có rãnh nhiệt. Đây không phải khái niệm đập hỏng thì mới rò rỉ. Đây là rò rỉ rãnh nhiệt”- ông Ngãi nói. Phạm Tuyên |
Ông Lê Văn Tuấn - chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện nói: “Từ khi thủy điện này vào địa phương, toàn bộ công việc hành chính của cán bộ huyện phát sinh hơn 40%: Giải quyết khiếu kiện đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, vướng mắc đất sản xuất. Đường sá hư hỏng nặng sau khi thủy điện hoàn thành Phá rừng. Ô nhiễm môi trường. Giờ thêm động đất, đập rò rỉ nước không biết đến bao giờ mới yên”.
Đề nghị tổng kiểm tra thân đập
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, huyện Bắc Trà My khẩn thiết yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể, có những kết luận chính xác và khoa học về thực trạng đập thủy điện Sông Tranh 2.
Bởi theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thì “đập dâng đã được Hội đồng nghiệm thu cấp EVN nghiệm thu ngày 13/10/2011 và tích nước đến mức đập dâng bình thường tại cao độ 175m vào ngày 3/11/2011. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra và đánh giá đập đảm bảo an toàn, chất lượng (thông báo số 77/TB - HĐNTNN ngày 28-11-2011)”.
Vậy nhưng chưa đầy 4 tháng sau, đoàn công tác cũng của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng khi kiểm tra sự cố rò rỉ thân đập lại phát hiện lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành đập!?
Trong khi EVN cho rằng nguyên nhân rò rỉ nước là: “Do nước thấm qua không được thu gom hết về các hành lang trong thân đập và theo các ống dẫn ra hạ lưu”.
Những chi tiết này gây nghi ngờ trong chính quyền địa phương huyện Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam, vốn đang nỗ lực an lòng dân.
Ông Phong cảnh báo: “Chúng tôi có đầy đủ lý do để lo lắng. Chuyện động đất, nguy cơ người dân tộc thiểu số bỏ khu dân cư, bỏ khu tái định cư vẫn còn đó, nay lại thêm chuyện này nữa.
Bắc Trà My có hơn 50% hộ nghèo, nếu cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân cụ thể, khắc phục dứt điểm thì tỷ lệ này trong nay mai sẽ tăng vì người dân không thể ổn định sản xuất được. Trách nhiệm này thuộc về ai ?”.
Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cũng khẳng định: Nếu cần thiết phải hi sinh lợi ích kinh tế, ngừng việc tích nước, kiểm tra lại thân đập phía thượng lưu thì phải làm ngay để an lòng dân.
Nhiều lãnh đạo các sở ban ngành cũng Quảng Nam cũng đặt câu hỏi đối với đoàn công tác về chất lượng công đập thủy điện, cũng như mối liên hệ giữa động đất và việc rò rỉ nước trong thời gian qua. Liệu thân đập có xảy ra hiện tượng đứt gãy bên trong?
Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi Quảng Nam khẩn thiết yêu cầu: “Cần có các trang thiết bị hiện đại kiểm tra, quan trắc bên trong thân đập có đứt gãy hay không. Chỉ khi nào khẳng định thân đập không có sự cố, không đứt gãy thì những giải thích về nguyên nhân rò rỉ mới an tâm được”.
Phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổng kiểm tra thân đập thủy điện Sông Tranh 2 để có hướng giải quyết triệt để nhất, có báo cáo cụ thể cho tỉnh, để người dân sớm an tâm rằng: Đập thủy điện an toàn!
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo