Đặt tên đẹp, độc: Không dễ!
Nhiều hồ sơ sửa lần 2, 3, 4 rồi mà cái tên doanh nghiệp (DN) vẫn chưa đặt xong. Lúc thì không đạt về tên tiếng Việt, lúc thì dịch không xong tên tiếng nước ngoài, lúc thì tên viết tắt bị sai, bị trùng.
Tên gọn dễ bị trùng
Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) Sở KH &ĐT TP.HCM cho biết đặt tên DN rất khó. Quy định không được đặt trùng nên DN phải tra cứu kỹ lưỡng. Một chuyên viên ĐKKD kể lại kinh nghiệm thường gặp DN đặt tên có từ Phát, Tiến, Thăng, Lộc... Tên dính các từ này phải đặt dài dòng lắm mới ra được cái tên không bị trùng. Ví dụ như Lộc Phát thì có gần ngàn DN, trong đó nhiều DN “biến tấu” thành Đại Lộc Phát, Trường Lộc Phát, Phát Lộc Phát... Có DN đặt tên đọc ra đến 21 từ như “Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tài Lộc Phát Phú Quốc”. Cũng có DN đặt được tên cực ngắn như Công ty TNHH 68!
Có những DN tra cứu rất kỹ, tên tiếng Việt không trùng. Tuy nhiên, Luật DN quy định tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt cũng không được trùng nhau. DN không để ý, chỉ tra cứu tên tiếng Việt nên khi đưa tên tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt thì lại bị trùng, lại phải chỉnh sửa.
Ví dụ, có hồ sơ DN đăng ký tên Tuệ Long, tra cứu tên Việt thì không bị trùng nhưng viết tắt thành TL thì vô số công ty TNHH, công ty CP có tên Thăng Long, Thắng Lợi, Thiên Lộc, Thiên Long, Tiến Lực... cũng viết tắt là TL.
Một chuyên viên ĐKKD khác cho biết thậm chí viết tắt ba chữ cái cũng dễ trùng. Chuyên viên này rút ra một hồ sơ. DN này đăng ký tên Thành Lập P., chưa có tên tiếng Việt tương tự nhưng khi viết tắt thành TLP Co. thì lại trùng với tên viết tắt của Công ty Trung Long P., là TLP Co. đã có trước. Vậy là DN phải đổi tên viết tắt.
Tên dài dòng: Dịch cho đủ
Nhiều DN đặt tên tiếng nước ngoài chưa đạt quy định vì thiếu chữ “công ty”, “đầu tư”, “thương mại”, “dịch vụ”... Ví dụ, hồ sơ Công ty TNHH W.A.O.M, khi dịch sang tên tiếng Anh thì chỉ còn phần tên riêng (W.A.O.M) mà không có phần “công ty TNHH”, do đó được đề nghị sửa thành “W.A.O.M Company Limited” cho đầy đủ. Trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ P. dịch tên thành P. Company Limited, được Phòng ĐKKD đề nghị sửa thành “P. Trading Service Company Limited”. Công ty TNHH Tư vấn Đào tạo Giáo dục T. đặt tên tiếng Anh không có phần dịch của từ “tư vấn đào tạo giáo dục” nên cũng phải sửa.
Tên tiếng Việt và tiếng nước ngoài cần viết rõ ràng, đầy đủ, không viết tắt. Một hồ sơ khác của Công ty Cổ phần L. đặt tên tiếng Anh là L. JSC, được đề nghị viết rõ thành “L. Joint Stock Company”.
Một chuyên viên ĐKKD chia sẻ: Tên tiếng nước ngoài phải dịch tương ứng từ tên tiếng Việt, do đó tên tiếng Việt có cụm từ nào thì tên tiếng nước ngoài cũng phải có cụm từ tương ứng. Tên viết tắt thì có thể lược bớt.
Cơ quan ĐKKD quyết định cuối cùng
Kho dữ liệu về tên DN rất công khai, DN có thể tự tra cứu để tránh trùng tên. Thậm chí nếu DN tra cứu mà thấy DN khác được đặt, được dịch tên như thế này trong khi mình lại không được thì hoàn toàn có thể khiếu nại.
DN là “đứa con tinh thần” của người lập DN nên họ cũng chẳng mấy khi đặt tên dung tục đến nỗi bị cơ quan ĐKKD tuýt còi. Tuy nhiên, việc đặt tên có nhiều vấn đề nhạy cảm mà không thể tranh luận cho đến cùng được, trên thế giới vẫn vậy chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó hầu hết các nước đều cho cơ quan ĐKKD quyền quyết định cuối cùng về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận tên mà DN đặt.
Cục Quản lý ĐKKD, Bộ KH&ĐT
Không thể hướng dẫn hết
Những hướng dẫn hiện có trên website của Sở cũng dựa trên hướng dẫn chung của Cục Quản lý ĐKKD, những tỉnh, thành khác cũng phát hành bản hướng dẫn chung như vậy.
Chúng tôi cũng rất muốn hướng dẫn chi tiết thêm cho DN đỡ mất công chỉnh hồ sơ nhưng thực sự mà nói thì quá mênh mông, không tập hợp được hết, đặc biệt là các quy hoạch ngành nghề của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cập nhật thường xuyên hơn để tiện cho DN tra cứu và thực hiện, đỡ mất công chỉnh sửa.
Phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT TP.HCM
Cười Lên Cái Coi!
Tôi vẫn biết đặt tên DN với 2, 3 từ mà không trùng là khá khó. Vì vậy ngay từ đầu tôi đã cố ý chọn một cái tên lạ. Khi tôi nộp hồ sơ, nhân viên Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cười, bảo: “trời ơi, cái này không đụng hàng”. Mà thiệt là không đụng. Chứ tên “cười” thì Nụ Cười, Mỉm Cười rất nhiều. Thậm chí Hãy Cười Lên, Cười Lên Nào, Cười Là Có, Cười Khúc Khích... đều đã được đặt cả.
Bà THÁI THỊ KIM VI, Giám đốc Công ty TNHH Cười Lên Cái Coi, TP Đà Nẵng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg