Đâu cần phải “xé” luật!
Đồng tình về việc áp dụng biện pháp mạnh đối với người uống rượu bia khi điều khiển ô tô, xe máy nhưng nhiều bạn đọc vẫn băn khoăn trước đề xuất tịch thu phương tiện. Ô tô, xe máy là tài sản cá nhân, không thể vin vào hành vi vi phạm giao thông mà có thể tịch thu được.
Bạn đọc Văn Thân cho rằng tình hình tai nạn giao thông đã quá kinh khủng, cần phải có cách xử lý triệt để nhưng tịch thu phương tiện giao thông thì không ổn. Nhiều người dân hiện thu nhập không cao, trong gia đình thường sử dụng tài sản chung là chiếc xe máy. Nếu một người vi phạm bị tịch thu xe thì cả nhà mất phương tiện làm ăn.
“Tôi đồng tình với việc phạt thật nặng các hành vi vi phạm giao thông một cách cố ý. Tuy vậy, tịch thu phương tiện thì hơi khó vì chủ phương tiện không thể chịu trách nhiệm về hành vi của người vi phạm nếu là 2 cá thể khác nhau. Tôi đề nghị tăng mức phạt và giam phương tiện khi chưa đóng phạt. Nếu trong thời gian quy định mà không nộp phạt thì phương tiện sẽ bị sung công quỹ”- bạn đọc Minh Hiếu đề xuất.
Phản biện những ý kiến trên, bạn đọc Trịnh Hòa Bình dẫn chứng: “Chúng ta hãy tưởng tượng rằng vào một ngày nào đó, một kẻ say rượu lái xe tông vào gia đình chúng ta. Tôi tin rằng lúc đó không ai phản đối việc tịch thu phương tiện đối với người uống rượu bia quá đà. Vì sinh mạng chúng ta và gia đình, hãy ủng hộ việc tịch thu xe khi người điều khiển uống nhiều rượu bia. Có thế họ mới sợ và sẽ không sử dụng xe khi uống rượu bia”.
Nhiều bạn đọc cho rằng các nước đã có biện pháp xử lý hành vi này rất kiên quyết và hiệu quả. Chẳng hạn, sau khi bị xử phạt mà người vi phạm không chấp hành, vụ việc sẽ được chuyển cho cảnh sát. Người vi phạm nếu chống đối thì sẽ bị đưa ra tòa. Những cách làm trên có thể áp dụng ở Việt Nam mà không cần phải “xé” luật.
Bạn đọc Trần Hoài Anh hiến kế: “Trường hợp này cần tịch thu giấy phép lái xe của người vi phạm và quản lý bằng công nghệ để tránh tiêu cực. Muốn có giấy phép lái xe, người đó phải học và thi lại Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, nếu người vi phạm không có tiền nộp phạt thì phạt tù hay lao động công ích”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo