Dầu khí đòi nợ ngành thuế
Đầu năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại “đụng độ” với cơ quan thuế khi đưa ra một loạt các đề nghị đòi nợ tiền hoàn thuế, xin miễn phạt chậm nộp tiền lãi dầu khí nước chủ nhà...
Đòi Tổng cục Thuế trả nợ thuế
Đầu tiên, phải kể đến là khoản 4 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào của nhà thầu - Văn phòng điều hành Dart Energy - đối tác ở hợp đồng tìm kiếm, thăm dò và khai thác khí than lô MVHN-01KT.
PVN cho biết, đây là dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí chưa có phát hiện thương mại. Do đó, sau khi kết thúc giai đoạn 1 thời kỳ tìm kiếm, thăm dò, ngày 10/10/2011, nhà điều hành Dart Energy đã xin chấm dứt hợp đồng. Tại thời điểm này, nhà thầu cũng đã được Cục Thuế Hà Nội hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đợt 1 là 4,5 tỷ đồng và thống nhất số tiền hoàn thuế đợt 2 là 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2012, bất ngờ vụ việc bị đảo ngược. Nhà thầu Dart Energy nhận được lệch phải “hoàn trả” lại số thuế 4,5 tỷ đồng trên theo công văn truy hoàn thuế của Tổng cục Thuế. Lý do được nêu ra là dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào sản xuất kinh doanh rồi giải thể nên không thể phát sinh giá trị gia tăng đầu ra. Kéo theo đó, nhà thầu Dart Energy không thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Ngoài ra, do dự án kết thúc trước thời hạn nên sản phẩm của dự án chưa thể xác định được có phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hay không. Đây cũng là lý do mà Tổng cục Thuế khẳng định doanh nghiệp trên không được hoàn thuế.
PVN “đáp trả” rằng, lập luận của Tổng cục Thuế là chưa thích đáng. Tập đoàn này đã trích dẫn lại quy định tại khoản 2, Điều 18 của Thông tư 06/2012 của Bộ Tài chính quy định "dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoại động, nếu thời gian đầu tư từ 1 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm”. Nếu Tổng cục Thuế áp dụng không cho hoàn thuế trong các trường hợp dự án không có kết quả thương mại thì sẽ gây rủi ro các nhà đầu tư, không khuyến khích các nhà đầu tư vào Việt Nam lĩnh vực dầu khí.
Với dẫn chứng đó, PVN “đòi” cơ quan này phải hủy công văn truy hoàn và tiếp tục hoàn 4 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng đợt 2 cho nhà thầu trên.
Xin miễn phạt chậm nộp lãi nước chủ nhà
Vụ thứ hai liên quan đến tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà. Tháng 10/2013, PVN nhận được “lời mời” của Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu về việc nợ thuế và phạt chậm nộp tiền lãi dầu khí nước chủ nhà ở lô 06.1 năm 2004. Theo tính toán, tiền lãi dầu khí mà PVN còn phải nộp ở lô này là hơn 185 tỷ đồng.
PVN cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng tháng 1/2005, tập đoàn được giữ lại 50% tổng số thu từ tiền lãi nước chủ nhà được chia ở các hợp đồng dầu khí. Sau quyết toán, tập đoàn đã nộp về Ngân sách Nhà nước hơn 84 tỷ đồng, giữ lại 50% chênh lệch lãi dầu khí sau khi quyết toán lô 06.1 là hơn 101 tỷ đồng. Việc này đã được giải trình với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Tổng cục Thuế năm 2010, PVN cũng đã nộp 100% tiền lãi dầu khí trong khi chờ quyết toán các khoản thu dầu khí giai đoạn 2003-2008 và cũng đã đề nghị xin miễn phạt chậm nộp đối với khoản lãi dầu khí lô 06.1 năm 2004 trên.
Thế nhưng, không hiểu sao, sau 3 năm trôi qua, Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu lại nhăm nhe phạt PVN. Trước khó khăn này, PVN kiến nghị Tổng cục Thuế xóa bỏ lệnh phạt trên.
Cách đây tròn 1 năm, PVN cũng bị Cục Thuế TP.HCM phạt tới 495 tỷ đồng với lý do, tập đoàn nộp thiếu hơn 500 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm condensate ở lô 11.2 giai đoạn 2007-2012. Sau đó, cho rằng mình không sai, PVN cũng “kháng” lại quyết định trên.
Cũng liên quan đến tiền lãi dầu khí nước chủ nhà, PVN cho hay, từ năm 2010 đến hết tháng 9/2013, tập đoàn đã cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng để sữa chữa, nâng cấp các giàn dầu khí với số tiền lên tới 1.560 tỷ đồng, ước còn cấp thêm 500 tỷ đồng nữa. Đồng thời, PVN cũng đã phải ứng số vốn lên tới 2.579 tỷ đồng cho các địa phương để đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cho rằng không phải là vốn đầu tư của Tập đoàn nên PVN đã không ghi số tiền trên trong sổ sách và không quản lý theo quy định.
Trong khi đó, theo Nghị quyết của Quốc hội tháng 11/2013, sau khi các khoản lãi của nước chủ nhà được chia ở các hợp đồng khai thác dầu khí hiện nộp tập trung về PVN, Tập đoàn này sẽ có trách nhiệm nộp lại cho Ngân sách tỷ lệ 75%, còn lại, được giữ 25% làm vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm theo quy định của Chính phủ.
Do vậy, PVN đã kiến nghị xin được giảm trừ số tiền trên khi nộp tiền lãi nước chủ nhà về ngân sách nhà nước. Như vậy, tổng số tiền xin giảm trừ sẽ vào khoảng 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông lớn ngành dầu khí này còn than phiền về tình trạng luôn có nguy cơ bị phạt chậm nộp thuế, hoặc xin hoàn lại thuế đối với việc xuất nhập khẩu sản phẩm, do quy định phải nộp thuế trước khi thông quan. Hàng loạt vướng mắc khác liên quan đến cơ chế cho vay lại công ty con, chênh lệch tỷ giá... cũng được PVN đệ trình giải quyết.
Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, tập đoàn giàu nhất trong ngành công nghiệp Việt Nam này bỗng dưng bị tai tiếng khi bị Bộ Tài chính yêu cầu rà soát việc nộp ngân sách tiền lãi dầu khí nước chủ nhà. Sau đó, PVN đã phải nộp tới 10.000 tỷ đồng tiền lãi dầu khí về ngân sách vào những ngày cuối năm 2012 theo kết luận của Thủ tướng.
Hiện lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ giải quyết vướng mắc cho Tập đoàn PVN, yêu cầu trình phương án giải quyết trước ngày 15/2 tới.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo