Đấu thầu qua mạng: Nhiều nơi sợ minh bạch!
Đụng đâu vướng đấy
Ông Trần Quốc Việt, Ban đầu tư phát triển, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - 1 trong 3 đơn vị được lựa chọn thí điểm ĐTQM cho biết, tới nay VNPT đã có 31 đơn vị thành viên triển khai ĐTQM, với 187 gói thầu và 428 nhà thầu được chọn.
“ĐTQM thể hiện tính công bằng, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đảm bảo chất lượng đấu thầu, thu hút nhiều nhà thầu tham gia nên tăng tính cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu và hiệu quả đầu tư”, ông Việt nhận xét.
Bà Trịnh Thị Lan Anh, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, các đơn vị trong tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong triển khai ĐTQM, nên ít thực hiện. Việc thiếu cơ sở pháp lý, khiến các đơn vị triển khai ĐTQM gặp khó khăn trong kiểm toán, phục vụ thanh kiểm tra.
ĐTQM hiện nay, theo bà Lan Anh, chỉ khác đấu thầu trước đây là lấy hồ sơ nhà thầu dễ hơn. Còn lại vẫn phải in hồ sơ ra giấy, vẫn cần có hội đồng chấm thủ công. Đại diện EVN đề xuất, cần có hệ thống chấm thầu tự động với những gói thầu đơn giản.
Kết thúc gần 5 năm thí điểm, theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, toàn thành phố mới có 3 gói thầu thực hiện ĐTQM. “Không phải Hà Nội không quyết liệt. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhưng chủ đầu tư viện đủ lý do khó khăn pháp lý, kỹ thuật, nhân sự để từ chối ĐTQM”, đại diện Hà Nội nói.
Vì vậy, cần có lộ trình quy định bắt buộc với chủ đầu tư dùng ngân sách nhà nước phải đấu thầu theo hình thức mới.
Hàng loạt vấn đề bất cập cũng được các đơn vị đã tham gia ĐTQM chỉ rõ, như: Nhiều tài liệu không thể tải lên mạng, buộc nhà thầu phải gửi thêm bản in tới chủ đầu tư; chưa có quy định công nhận giá trị pháp lý của chữ ký số, chứng thư số, hồ sơ điện tử.
ĐTQM nhưng vẫn phải in hồ sơ để phục vụ kiểm toán, thanh tra. ĐTQM nhưng con người vẫn phải can thiệp quá nhiều như phải lập tổ chấm thầu, in hồ sơ để chấm. Do con người can thiệp vào quá trình chấm thầu, nên khó tránh ý chí chủ quan của chủ đầu tư lựa chọn đơn vị trúng thầu.
Vẫn “quân xanh, quân đỏ”
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, mạng đấu thầu quốc gia (địa chỉ muasamcong.mpi.gov.vn) được thí điểm từ năm 2009 - 2013, do Bộ KH&ĐT quản lý. Đến hết năm 2013, cả nước đã thực hiện thành công hơn 1.000 gói thầu điện tử; gần 10.000 tài khoản được đăng ký.
“Chúng ta hướng tới xây dựng hệ thống thông tin rõ ràng, công bố công khai để các nhà thầu giám sát lẫn nhau. Tiến tới quy định chủ đầu tư phải nói rõ nhà thầu bị loại vì sao. Nhà thầu có thể chất vấn chủ đầu tư vì sao hồ sơ đủ điều kiện, đặt mức giá phải chăng mà vẫn bị loại”, ông Tăng nói. Hiện Cục đang kiểm tra một số trường hợp đấu thầu bị nhà thầu khác tố vi phạm.
Phản bác đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội kêu khó thực hiện, ông Tăng cho rằng, đáng lẽ những gói thầu sử dụng ngân sách phải được ĐTQM để minh bạch. Nhưng thực tế ngược lại, các công ty không dùng ngân sách đấu thầu thành công hơn 1.000 gói thầu, còn Hà Nội chỉ được 3 gói thầu.
“Khó khăn về luật, hạ tầng, con người… là có, nhưng ít. Phần nhiều là khó khăn về tâm lý. Nhiều đơn vị không muốn đấu thầu qua mạng, vì công khai, minh bạch quá”, ông Tăng khẳng định. Ông lý giải, đấu thầu như trước đây nhà thầu phải gặp chủ đầu tư, đi lại, quan hệ.
Thậm chí, chủ đầu tư chỉ bán hồ sơ cho một số đơn vị quen biết, lấy đủ lý do từ chối đơn vị khác. Còn qua mạng, chỉ cần đủ điều kiện, dù ở bất kể đâu (trong hay ngoài nước) đều tham gia được. Nhà thầu không có lý do để gặp chủ đầu tư nên hạn chế nhiều tiêu cực.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Đấu thầu, thời gian tới sẽ bổ sung quy định còn thiếu, xây dựng khung pháp lý cụ thể, chi tiết cho ĐTQM, thiết kế phần mềm chấm thầu tự động, xây dựng lộ trình bắt buộc ĐTQM... Tiến tới toàn bộ hoạt động đấu thầu, mua sắm trên cả nước đều được thực hiện qua mạng đấu thầu quốc gia.
Ông Nguyễn Sơn, Cục phó Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo tính toán, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm bình quân khoảng 10% giá trị đấu thầu mua sắm. Mỗi năm, tổng giá trị các gói mua sắm công và do các đơn vị nhà nước thực hiện mời thầu khoảng 20 tỷ USD, nếu tất cả các gói thầu được thực hiện qua mạng sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ USD ngân sách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD