Môi trường

Đầu tư quản lý chất thải rắn: Thiếu và chưa cân đối

Nguồn tài chính đầu tư cho quản lý chất thải rắn hiện nay của Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng và chưa cân đối được giữa các lĩnh vực. Do đó, gần 20% chất thải rắn đô thị và 45% chất thải rắn ở nông thôn không được thu gom xử lý.

Riêng chất thải rắn công nghiệp có chứa thành phần nguy hại, được thuê hoặc giao bán cho doanh nghiệp có giấy phép hành nghề vận chuyển, nhưng vấn đề kiểm soát chất thải sau hợp đồng chưa thực hiện chặt chẽ, nên nguy cơ làm phân tán ra môi trường rất cao.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết hiện cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành 90% cho hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải, vì vậy chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải rất thấp. Mặc dù được xem là một trong những biện pháp giảm thiểu chôn lấp chất thải rắn, nhưng hầu hết các nhà máy ủ rác đang gặp khó khăn trong hoạt động. Vì trợ cấp của chính quyền địa phương để vận hành các nhà máy ủ rác thấp hơn khoản trợ cấp dành cho chôn lấp.

Ngoài ra các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn cũng gặp khó khăn về tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn. Trong khi vốn đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đối với một cơ sở quản lý chất thải rắn rất lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn lại dài. Đặc biệt là vấn đề vay vốn của các doanh nghiệp này hiện nay rất nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, các mức phí cho dịch vụ quản lý chất thải rắn chiếm chưa đến 0,5% chi tiêu của các hộ gia đình, nên tổng thu của các loại phí dịch vụ quản lý chỉ đáp ứng được không quá 60% tổng chi phí vận hành, duy tu và bảo dưỡng hệ thống quản lý chất thải rắn. Mặc dù được bao cấp rất lớn từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, song vẫn chưa có đủ nguồn lực cần thiết, đặc biệt là cho các hoạt động xử lý chất thải rắn, dẫn đến tình trạng các khu xử lý đang vận hành, duy tu, bảo dưỡng không đúng kỹ thuật và không an toàn.

Điều này cho thấy cho dù ngân sách đầu tư cho quản lý chất thải của Việt Nam vẫn tăng hàng năm, nhưng đầu tư cho hoạt động vận hành còn rất thiếu. Đây là nguyên nhân đe dọa đến tính bền vững của các khoản đầu tư, nhất là theo dự báo của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn phát sinh trong cả nước sẽ lên tới 44 triệu tấn.

 

Thảo Anh (Theo Vietnam+)

 

 

 

 

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo