Đầu tư vào ngân hàng, chưa minh bạch
Trong phần thảo luận chuyên đề ngân hàng của “Viet Capital Vietnam access day” diễn ra hôm 24-10 đa phần các diễn giả có mặt đều cho rằng lĩnh vực ngân hàng Việt Nam chưa thực sự minh bạch khiến nhà đầu tư nước ngoài chần chừ khi muốn bỏ vốn vào ngành này.
Nên đọc Theo một số diễn giả, vấn đề sở hữu chéo, con số nợ xấu của ngành ngân hàng rất khó biết. Nhiều khi bỏ tiền đầu tư ngân hàng nhưng lại không thể biết chủ sở hữu chính là ai. Còn nợ xấu thì nhiều con số được công bố, rốt cục không biết số nào là chính xác. Hoạt động thực tế của ngân hàng ra sao thì báo cáo tài chính cũng không thể hiện cụ thể. Đó chính là những rào cản khi nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc bỏ vốn vào Việt Nam.
Việc xử lý nợ xấu cách nào được các diễn giả rất quan tâm. Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có những tuyên bố cụ thể, giải quyết từ đâu, ngân hàng lớn hay nhỏ. Đồng thời cần có lộ trình rõ ràng, cần có những quy định quản trị rủi ro và có kế hoạch theo dõi việc giảm nợ xấu của các ngân hàng.
Ông Sanjay Kalra cũng cho rằng Việt Nam chưa cần đến sự hỗ trợ của IMF, vì thực tế tổ chức này chỉ phải hỗ trợ cho các hệ thống ngân hàng của các nước khi họ thiếu thanh khoản, còn hiện tại Việt Nam chưa gặp phải vấn đề này.
Các diễn giả cũng đồng tình với việc muốn giải quyết các vấn đề của Việt Nam thì các con số phải rõ ràng, minh bạch. Việc “đếm cua trong lỗ” thì các chuyên gia dù giỏi đến mấy cũng không đưa ra được các giải pháp phù hợp.
Theo một khách mời tham dự, một trong những cách thức giúp giải quyết vấn đề sở hữu chéo của ngân hàng là tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, để làm giảm sở hữu của một số thành phần khác. Đồng thời cũng phải cho phép họ tăng tỷ lệ nắm giữ vốn để điều hành ngân hàng, theo hướng tập trung nhiều vào quản trị rủi ro và tái cấu trúc lại hoạt động, có như vậy mới giúp cho các ngân hàng yếu có cơ hội đi lên. Ngoài ra, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng cũng sẽ tạo ra sự minh bạch cao hơn.
Trong khi đó, ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, cho rằng trên thực tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự cải thiện như thâm hụt cán cân thương mại đã chấm dứt, lạm phát cũng giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không còn là vấn đề lớn, vì vậy bỏ vốn đầu tư vào ngân hàng cũng chưa hẳn đã không nên. Tuy vậy, ông Krause cho rằng các quy định về quản lý phải được củng cố, và việc thực hiện quy định cũng nên nghiêm túc hơn. Đồng thời, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính của các ngân hàng cần được coi trọng.
Hồng Lĩnh (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam là điểm sáng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí