Đầu tư

Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 chậm tiến độ gây thiệt hại ít nhất 12 tỷ đồng/ngày

DNVN - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 chậm tiến độ gây thiệt hại mỗi ngày ước tính khoảng 12 - 13 tỷ đồng, chưa kể đến những thiệt hại chưa tính được.

Kỳ vọng “cú hích” đầu tư mới từ Đài Loan vào Việt Nam / Hầu hết tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan đều đã đầu tư vào Việt Nam

Thiệt hại lớn vì chậm tiến độ

Đến thời điểm hiện tại, dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 thi công ước đạt hơn 85% so với hợp đồng đã ký kết, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 nằm trong quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2019. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước, đặc biệt là nguồn điện nền, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Theo kế hoạch Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 5/2024 và phát điện thương mại vào tháng 11 năm 2024. Còn Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 11/2024 và phát điện thương mại vào tháng 5/2025.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn dự án này ngày 9/5 tại Đồng Nai, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay dự án đã chậm tiến độ, khối lượng công trình hiện đã làm được 85%, tương đương khoảng 30.000 tỷ được giải ngân với mức lãi suất trung bình khoảng 8%/năm. Theo đó, mỗi ngày sẽ mất khoảng 6-7 tỷ đồng tiền lãi và tỉnh Đồng Nai sẽ mất khoảng 6 - 6,5 tỷ tiền thu từ nguồn phát điện.

"Như vậy, thiệt hại mỗi ngày ước tính sẽ mất khoảng 12 - 13 tỷ đồng. Chưa kể đến những thiệt hại chưa tính được, đó là thiếu nguồn điện cho cả nước nói chung và khu vực nói riêng. Qua đó, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cũng đi kiểm tra tiến độ thực tế tại dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì nguy cơ đổ vỡ dự án là vô cùng lớn. Bởi lẽ nếu thủ tục đất đai không được giải quyết thì không nhà tài trợ vốn nào có thể tài trợ nữa, chưa kể chủ đầu tư sẽ phải chịu phạt của các nhà thầu vì cam kết mà không thực hiện được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Xử lý dứt điểm "nút thắt"

Ông Lê Như Linh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) phản ánh, hiện tại, dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, công tác thuê đất đối với phần diện tích còn lại khoảng 30,7 ha (đợt 2) chưa ký hợp đồng. Việc chậm thực hiện ký hợp đồng thuê đất sẽ dẫn tới ngân hàng và các tổ chức tín dụng nước ngoài rất có thể sẽ dừng giải ngân, gây ảnh hường rất lớn tới tiến độ hoàn thành dự án. Cùng với đó, khó khăn do Tổng Công ty Tín Nghĩa (đơn vị có vốn góp của Tỉnh ủy Đồng Nai) cản trở thi công.

Theo ông Linh, Tổng công ty Tín Nghĩa chưa hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp theo quy định. PV Power đã phải tự thực hiện việc san lấp mặt nhà máy, xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước thi công...

"Việc chậm hoàn thành hạng mục kênh xả nước làm mát sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thành đưa dự án Nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 vào vận hành phát điện. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực trực tiếp tới việc bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triền kinh tế của quốc gia", đại diện PV Power nhấn mạnh.


Doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc triển khai dự án.

Về vấn đề này, ông Trần Trung Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa, cho biết: Thời gian quan, tỉnh Đồng Nai đã giao 633 ha cho doanh nghiệp này, hiện đã bồi thường được 426ha, còn khoảng 200ha chưa bồi thường.

Từ năm 2022, tổng diện tích Tổng công ty Tín Nghĩa đã giao cho PV Power là 36 ha, trong đó có cả phần đơn vị bỏ tiền ra tự thoả thuận bồi thường cho người dân. Trung bình hiện nay giá bồi thường tại Nhơn Trạch là 655.000 đồng/m2. Nếu so với số tiền Tín Nghĩa nhận lại là 90 tỷ trên 36ha thì đâu đó chỉ 255.000 đồng/m2. Điều đó cho thấy rằng Tín Nghĩa bỏ ra 1 số tiền rất lớn cho mục đích chung của tỉnh.

Về phí sử dụng hạ tầng tại khu công nghiệp, theo ông Tuấn, do một số vấn đề nên Tổng Công ty Tín Nghĩa chưa đấu nối xong các tuyến đường trong khu công nghiệp. Dù cho PV Power có trả tiền hạ tầng hay không thì đến năm 2026 Tín Nghĩa cũng sẽ hoàn tất các tuyến đường trong khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, ngành năng lượng đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là việc xây dựng của nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 cũng như các dự án lưới điện giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy này.

Theo ông Lĩnh, đây là công trình trọng điểm của quốc gia, PV Power và Tổng công ty Tín Nghĩa phải thỏa thuận với nhau sớm để triển khai, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án. Và nút thắt lớn nhất hiện nay là thỏa thuận giữa phí hạ tầng với nhau, và phải xử lý dứt điểm vấn đề này.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay về đất đã được tháo gỡ được theo đề xuất của báo cáo của Tổng công ty Tín Nghĩa. Còn khi PV Power ký hợp đồng thuê đất (đợt 2), UBND tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay. Tín Nghĩa cũng vừa có cam kết sẽ để cho PV Power thi công cắt đường số 4, không cản trở như trước đây.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn Đồng Nai cần quyết liệt, giải quyết vấn đề vướng mắc theo thẩm quyền.

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan tạo điều kiện để cho PV Power triển khai tiếp các hạng mục còn lại mà không gặp khó khăn, vướng mắc nào giống như đã triển khai 85% công việc ở giai đoạn trước. Mục tiêu chung để đẩy nhanh tiến độ trên thực tế, còn thủ tục pháp lý tiếp tục hoàn thiện.

UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan cần tiếp tục hỗ trợ cho EVN triển khai hai tuyến đường dây truyền tải 500 KV để giải tỏa công suất của 2 nhà máy này. Đồng thời tiếp tục xem xét để xử lý vấn đề pháp lý liên quan đến giao đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, góp phần sớm đưa dự án vào họat động.

Tỉnh Đồng Nai cũng được yêu cầu đến trước tháng 5/2024 hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho PV Power để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý cho dự án tiếp tục được duy trì.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm