Đầu tư

Nâng cao nội địa hóa trong cuộc cạnh tranh sống còn của ngành công nghiệp ô tô

(DNVN) - Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu vào khu vực này, doanh nghiệp Việt đứng trước sự cạnh tranh sống còn.

Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam / 11,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng


Bài toán cạnh tranh ngày càng gay gắt, khiến các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước phải nâng cao năng lực sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa để mở rộng thị trường xuất khẩu

Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) là một trong những doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược một cách bài bản để tiếp tục phát triển bền vững. Nâng cấp công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, mở rộng thị phần xuất khẩu, đẩy mạnh kinh doanh linh kiện phụ tùng, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là những bước đi hiện nay của THACO.

Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc THACO cho biết: “Nội địa hóa là bài toán khó đối với doanh nghiệp ô tô, bởi vì nội địa hóa cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, chỉ khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủsản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”. Từ thực tế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và thực tiễn sản xuất kinh doanh, THACO đã đặt mục tiêu nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ rất sớm.

Bên cạnh các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, từ nhiều năm trước, THACO đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải với nhiệm vụ chính là sản xuất các linh kiện - phụ tùng phục vụ cho sản xuất ô tô, cung cấp cho các đối tác, đồng thời xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Robot sơn linh kiện nhựa - sản phẩm xuất khẩu của THACO.

Hiện nay, các sản phẩm ô tô do THACO sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Trong đó, xe bus THACO được định vị là sản phẩm thương hiệu Việt đã được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore và Đài Loan. Đối với xe du lịch, doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe du lịch Kia Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.

Sản phẩm máy nông nghiệp đã được THACO sản xuất từ năm 2017, trong đó sẽ nội địa hóa dòng máy kéo KAM50, bước đầu sẽ tự sản xuất nội địa tại Chu Lai gần 200 chi tiết linh kiện bao gồm linh kiện nhựa, linh kiện cơ khí, ghế ngồi, dây diện, đèn xe… với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Trong sản xuất linh kiện phụ tùng, THACO đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí (thùng xe, ống xả, ty ben, khung xương xe bus, các linh kiện đột dập…), linh kiện nhựa (cản nhựa, linh kiện nhựa nội thất…), hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...

Toyota Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của công ty này. Đến nay, Toyota đã trở thành doanh nghiệp ôtô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, đối với từng sản phẩm, như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của Toyota, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Về số lượng nhà cung cấp, tăng lên 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.

Còn Hyundai Thành Công lại có những bước đi nỗ lực trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất ôtô tại Việt Nam. Theo lãnh đạo Hyundai Thành Công, nếu như năm 2016, tỉ lệ nhập khẩu sản phẩm ô tô của Hyundai Thành Công là 82%, sản xuất chỉ chiếm 18% thì sang năm 2017, tỉ lệ nhập khẩu là 35% và sản xuất chiếm 65%. Năm 2018, DN gần như chuyển hoàn toàn sang sản xuất lắp ráp trong nước với tỷ lệ trên 98%.

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong những năm qua. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2.000 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển sang sản xuất công nghiệp, THACO mời gọi đầu tư vào Khu phức hợp, liên doanh, liên kết, hợp tác với các đối tác có công nghệ phù hợp để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay tại Khu phức hợp có 5 nhà máy lắp ráp ô tô và 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện cơ khí, máy nông nghiệp… với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo lãnh đạo THACO, để chuẩn bị cho hội nhập, từ năm 2017, THACO bắt đầu một chu kỳ đầu tư phát triển mới với mục tiêu chiến lược: xây dựng Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải trở thành Trung tâm cơ khí - ô tô và công nghiệp hỗ trợ mang tầm khu vực. Bên cạnh việc nâng cấp các nhà máy hiện hữu, THACO đã tiếp tục đầu tư mới các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, gồm: nhà máy xe tải mới; Nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mazda Nhật Bản; Nhà máy xe bus cao cấp có quy mô và công nghệ hiện đại nhất khu vực ASEAN…

Đối với mảng công nghiệp hỗ trợ, THACO tiếp tục thực hiện đầu tư chiến lược để gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước bằng các dự án phát triển nhà máy công nghiệp hỗ trợ mới như: nhà máy linh kiện nhựa; Nhà máy sản xuất máy lạnh xe tải, xe bus; Nhà máy sản xuất khung gầm xe bus; Nhà máy sản xuất ống xả ô tô; Nhà máy sản xuất xy lanh thủy lực; Nhà máy sản xuất mâm ô tô; Nhà máy sản xuất thùng nhiên liệu ô tô; Các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng cho xe du lịch và các linh kiện cơ khí khác ngoài ngành ô tô.THACO đồng thờimở rộng sản xuất các thiết bị cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và thiết bị cơ khí công nghiệp khác.

Nội địa hóa chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp trong ngành ôtô có thể làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.


Minh Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm