Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật
Công ty Daiwa Nhật Bản xây nhà máy mới 40 triệu USD, tuyển hơn 3.300 lao động ở Đà Nẵng / Đà Nẵng: Nhà máy Nhật Bản sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đi vào hoạt động
Sáng 12/2, phát biểu tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO cho biết: JETRO thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như thực hiện số hóa và giúp tăng giá trị nền kinh tế.
Vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, trong 3 năm qua, Việt Nam đang trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thông tin này có được sau cuộc khảo sát do JETRO thực hiện năm 2022.
“Tháng 12/2022, JETRO khảo sát 3.100 doanh nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về điểm đến xuất khẩu của các công ty Nhật Bản, xếp thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ về thu hút FDI từ Nhật Bản. Con số này là minh chứng cho thấy sự quan tâm lớn lao của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam”, ông Takeo Nakajima nói.
Chia sẻ lý do các công ty Nhật Bản cho rằng thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và là điểm đến của doanh nghiệp, nhiều đối tác kinh doanh, ông Takeo Nakajima cho biết: Trong một cuộc khảo sát 600 công ty Nhật Bản tại Việt Nam, thì có hơn 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết công ty họ sẽ mở rộng kinh doanh trong một đến hai năm tới, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.
Đặc biệt, các cuộc khảo sát chứng tỏ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm nhiều trong việc hình thành chuỗi giá trị gia tăng hơn là các sản phẩm đa năng và tạo ra nhiều nguồn lực hơn trong tiến trình mua bán, nghiên cứu, phát triển và logistics.
Mặt khác, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như nguy cơ lạm phát, thiếu hụt nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng trong kế hoạch phát triển từ 5 đến 10 năm tới.
Ví dụ như các dự án thành phố thông minh và dự án mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long của Sumitomo, dự án điện sinh khối của E-Rex và JFE Engineering, dự án xây dựng nhà máy điện LNG/ thiết bị đầu cuối của Marubeni và Tokyo Gas, và dự án mở rộng sản xuất chất bán dẫn của Rorze.
Thêm nữa, Yokowo, nhà sản xuất điện và điện tử toàn cầu, dự định xây dựng nhà máy kiểm tra linh kiện bán dẫn với trang thiết bị hiện đại tại Hưng Yên. Tập đoàn Aeon cũng sẽ tích cực mở rộng thêm các điểm bán lẻ trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Chương trình "Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao ngoài lãnh thổ Nhật Bản", Recotech của Nhật Bản đang làm việc với Urenco và các công ty khác về tái chế nguyên liệu nhựa ở khu vực phía bắc Việt Nam. Công ty xây dựng Chodai và Maeda sẽ triển khai dự án xử lý rác thải y tế và rác thải tổng hợp tại tỉnh Quảng Ninh. Hitachi sẽ thực hiện dự án kiểm soát tổn thất trong hệ thống truyền tải điện để giảm thiểu CO2.
JETRO chứng kiến nhiều dự án hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp Việt Nam (start-ups) và các công ty toàn cầu của Nhật Bản trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vận tải, tài chính, bán lẻ và giáo dục. Những dự án thế hệ tiếp theo này thu hút nhiều công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đến Việt Nam, giúp làm gia tăng giá trị nền kinh tế một cách bền vững.
“Chúng tôi thực sự vui mừng và nhận thấy Việt Nam đang ngày càng trở thành đối tác kinh doanh tin cậy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. JETRO sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình phát triển của Việt Nam và các địa phương khu vực vùng đồng bằng sông Hồng”, ông Takeo Nakajima khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo