Xã hội

Đầu xuân nói chuyện võ cổ truyền dân tộc Việt Nam

Việt Nam vẫn tự hào là một dân tộc có tinh thần thượng võ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đầy biến động với các cuộc chiến chống ngoại xâm liên miên, người Việt đã tích lũy và gây dựng được một nền võ thuật nay gọi là Võ cổ truyền dân tộc được phổ biến và yêu chuộng ngày càng rộng rãi trên thế giới.

Võ cổ truyền Việt Nam có nét đặc thù riêng.

 

Có thể hiểu Võ cổ truyền Việt Nam là tập hợp những môn phái võ thuật ra đời, tích lũy và lưu truyền trong suốt lịch sử trường kỳ của dân tộc Việt Nam rồi được các thế hệ người Việt không ngừng sáng tạo bồi đắp để giờ đây trở thành một bộ phận trong kho tàng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Nhờ nhiều thế hệ võ sư tâm huyết cả cuộc đời với tinh hoa võ thuật cha ông để lại mà ngày nay Võ cổ truyền dân tộc Việt Nam đã phát triển rất mạnh không chỉ ở trong nước mà còn tỏa sáng ở nước ngoài.

 

Nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi, Đài phát thanh quốc tế Pháp đăng cuộc nói chuyện với Võ sư Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam để tìm hiểu thêm cội nguồn và tinh hoa của các môn phái võ truyền thống nay đã quy tụ thành Võ cổ truyền Việt Nam.

 

Võ và thơ

 

PV: Xin chào võ sư Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Ông được biết đến như một người đã giành hết tâm huyết cuộc đời cho võ, và nhất là để tập hợp thống nhất các môn phái võ thành môn võ cổ truyền Việt Nam. Thưa ông, võ cổ truyền Việt Nam phải hiểu như thế nào?

 

Võ sư: Nói chung, nói đến võ cổ truyền chúng ta nghĩ ngay đến môn võ đã có từ lâu năm, nó có truyền thống, lịch sử và đặc biệt có nền văn hóa lâu đời giúp cho nó tồn tại. Vì lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua các thời kì bị đô hộ, chiến tranh, nội chiến…nó vẫn tồn tại bên cạnh những truyền thống và lịch sử như vậy thì chắc chắn nên văn hóa của dân tộc Việt Nam sâu đậm. Sâu đậm bởi ai cũng có tinh thần yêu nước, cũng có ý tưởng về một tương lai cho dân tộc mình. Cho nên, với một nên văn hóa như vậy đã đảm bảo cho môn võ cổ truyền là môn võ được tồn tại lâu năm trên đất nước Việt Nam. Có thể du nhập từ nước khác như Trung Hoa, Ấn Độ hoặc một số nước khác. Tuy nhiên nó đã tồn tại và phát triển lâu năm ở trên đất nước Việt Nam thì chúng ta gọi chung là võ cổ truyền Việt Nam.

 

PV: Võ cổ truyền Việt Nam đã có lịch sử hình thành rất lâu đời, nhiều người nói đến cả ngàn năm. Vậy thì đâu là tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam?

 

Võ sư: Có thể nói trên hai vấn đề cơ bản. Vấn đề thứ nhất, võ cổ truyền Việt Nam thiên về chiến đấu. Tuy nhiên trong chiến đấu vẫn có nhu, có cương, đặc biệt là các bài quyền hoặc thảo bộ của võ cổ truyền thì đều được xây dựng trên những thể thơ. Có thể là thơ tứ ngôn, ngũ ngôn hoặc là lục bát….Thể thơ giúp cho võ cổ truyền Việt Nam tồn tại như một áng văn chương của võ thuật, nó cũng giúp cho người tập luyện dễ nhớ, người nghiên cứu cũng có thể thể hiện được từ võ thuật đến tầm cao là nghệ thuật võ thuật. Chính vì điều đó, nó là tương đối khác biệt.

 

Thứ hai là nền tảng, võ nào cũng có tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, bộ pháp. Nói chung môn nào cũng có. Võ Việt Nam cũng giống như thế nhưng lại được xây dựng trên hệ thống di chuyển. Về bộ pháp, đặc biệt ở các bộ ngựa, tức là bộ tấn mình di chuyển thì gọi là bộ ngựa. Đó là bộ ngựa ba chân hổ trên ba điểm, bộ ngựa tứ bình di chuyển trên bốn điểm hoặc bộ ngựa biên di chuyển trên hai điểm. Với đặc thù di chuyển của bộ ngựa này, khi con người tập được đến mức thuần thục, tức là có phản xạ rồi thì người ta sử dụng các bộ ngựa này để nhập nội. Có nghĩa là để tiếp cận và tấn công. Cho nên có lẽ dựa trên hai ưu điểm này mà võ cổ truyền Việt Nam có nét đặc thù riêng.

 

Cánh đồng bao la

 

PV: Hiện nay có một thực tế ở Việt Nam có rất nhiều môn phái, hệ phái, võ khác nhau đôi khi làm người ta không hiểu đâu thực sự là võ cổ truyền Việt Nam, đâu là võ nhập ngoại?

 

Võ sư: Võ Việt Nam hình thành trong rất nhiều hoàn cảnh của đất nước cho nên mới tồn tại lại các võ phái và nhiều dòng võ. Việc nhiều võ phái và dòng võ cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc hình thành về cơ bản để đánh giá một môn võ. Chính vì như thế cho nên sau những ngày đất nước thống nhất thì đến năm 1991, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam ra đời, đó là một liên đoàn võ đầu tiên được ra đời.

 

Đến năm 1993, chúng tôi đã nhanh chóng đưa một chương trình quy định hay nói chung là một giáo trình thống nhất. Giáo trình này được xây dựng trên rất nhiều võ phái và môn phái. Nó có thể đưa ra các bài võ trước đây hay hiện nay đang sử dụng hoặc những bài võ trước đây chưa đưa ra phổ biến thì dịp này là dịp tất cả các võ phái, môn phái đưa ra.

 

Chúng tôi sẽ xây dựng một hội đồng võ sư là những bậc võ sư còn tồn tại trong giai đoạn đó, chúng tôi hình thành nên một hệ thống cơ bản ban đầu ví dụ như quyền thuật, binh khí ngắn, binh khí dài. Chúng tôi quy ra từng nhóm như vậy và được các vị võ sư sau khi có người thị phạm sẽ chọn trên các tiêu chuẩn.

 

Tiêu chuẩn thứ nhất bài quyền phải có lời thiệu; thứ hai ý nghĩa của bài đó như thế nào, nguồn gốc, xuất xứ của nó từ đâu; thứ ba là số lượng động tác, kỹ thuật bao nhiêu đòn chân, bao nhiêu đòn tay, bao nhiêu thế tấn; tiếp theo là diễn quyền tức là xuất phát từ đâu, đi đến đâu và kết thúc ở đâu, như thế nào và bên cạnh đấy có đồ hình diễn quyền.

 

Ít ra bản thân người viết bài đó biên soạn lại tài liệu cũng nói lên được thế nào là cổ truyền. Có thể xuất phát từ môn phái nào đấy, nhưng nó cổ truyền vì nó ở Việt Nam trải qua ba đời trưởng môn hay bốn đời, trăm năm hay hai trăm năm thì chúng tôi sẽ chọn. Nhưng khó nhất là làm sao cho lòng người chấp nhập chuyện này.

 

Cho nên trước tiên chúng tôi quy tụ các vị võ sư, thời điểm đó thì cũng rất khó khăn vì bản thân họ được huấn luyện theo từng võ đường, từng võ phái mà lại có rất nhiều võ đường, võ phái. Cho nên để thống nhất được điều này thì trước nhất bản thân những người võ sư đó thống nhất với nhau, chịu ngồi lại với nhau, thấy rằng đây là con đường duy nhất để làm cho võ cổ truyền phát triển ở Việt Nam, làm cho nó mạnh lên để truyền bá.

 

Chính những điều đó là điều giải quyết được sự phức tạp về các môn phái. Hiện nay chúng tôi có một hệ thống bài quy định. Bài quy định này chính là sức mạnh tổng hợp của các võ phái, của nhiều võ phái do lịch sử để lại. Bên cạnh chúng tôi rất tôn vinh bài tự chọn của các môn phái.

 

Chúng tôi đưa vào các kì thi lên đai, có bài tự chọn, đưa lên các kì thi đẳng cấp có thành tích huy chương hoặc giới thiệu trong các cuộc hội diễn đều có bài tự chọn. Mục đích là khuyến khích chứ không hạn chế sự phát triển của các môn phái.

 

Chúng tôi nghĩ đấy là một cánh đồng bao la, khi chúng ta chọn ra được hạt giống tốt thì chính những hạt giống tốt đó lại tiếp tục làm tốt. Thế nên, hai chương trình chúng tôi chọn hiện nay cũng có thể là một mở đầu cho sự hoàn thiện của võ cổ truyển về lâu về dài.

 

Còn người thì còn võ

 

PV: Gần đây có nhiều ý kiến võ cổ truyền Việt Nam đang rơi vào tình trạng mai một, thậm chí thất truyền. Ý kiến của võ sư về vấn đề này như thế nào?

 

Võ sư: Tôi nghĩ ai có ý kiến như vậy thì chắc họ chưa nghĩ thấu đáo vì bản thân một môn võ trải qua các thời kì lịch sử như vậy mà nó vẫn tồn tại. Tôi nghĩ rằng còn người Việt Nam thì võ cổ truyền còn. Nếu bảo võ cổ truyền mai một, mất đi thì không thể mất được.

 

Nó có thể mất mát phần nào đó, có thể không giống ngày xưa nhưng nếu nói như vậy thì sự phát triển và hình thành của một dân tộc không lẽ chỉ có cổ truyền, không lẽ chỉ có chuyện xưa mà không có sáng tạo của người nay, không có sự phát triển, hòa nhập vào thế giới.

 

Việt Nam có võ cổ truyền, chúng ta cũng phải có nghiên cứu về khoa học, cũng phải dùng thành tựu nghiên cứu của khoa học để làm môn võ cổ truyền cũng tiếp bước võ hiện đại. Nó cũng xứng danh với võ của một dân tộc khác.

 

Nếu như vậy thì cần thiết phải có sự sáng tạo và cần thiết phải duy trì nguồn gốc. Hiện nay võ cổ truyền Việt Nam không mất và phát triển hơn rất nhiều. Bài võ trước đây mai một thì bây giờ chúng ta đã khơi dậy, đã tìm. Còn số bài võ chỉ nói thôi, có nghĩa chỉ còn câu chuyện mà kiếm người đánh không có thì đành chịu nhưng lời thiệu có thể có. Thì đấy giống như vật quý. Chúng ta cứ đưa vào bảo tàng lịch sử để chúng ta nhớ đến nó những bên cạnh đó nó vẫn phát sinh và sáng tạo được nhiều hệ thống bài bản mới rất khoa học. Có thể biên soạn thành tài liệu học tập, thành giáo trình nghiên cứu và chúng tôi đã đưa được vào trong các trường đại học thể dục thể thao và một số trường khác. Chúng ta có một hệ thống huấn luyện bài bản.

 

Ví dụ như hiện nay đang sử dụng 18 bài quy định cho 18 cấp học của võ cổ truyền Việt Nam được xây dựng hiện nay, mang tính phổ cập có thể truyền bá trong nước. Trong 18 bài có thể chọn ra 8 bài, 10 bài để giới thiệu trên thế giới.

 

Bằng chứng hiện nay nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu đã tập luyện và ứng dụng các bài thống nhất này. Cụ thể, tại TP HCM chúng tôi đã tổ chức được 4 giải quốc tế thu hút ngày càng đông các đoàn nước ngoài về tham dự và 5 lần tổ chức festival tại Bình Định

 

 

 

Cũng xin nói thêm, Võ sư Lê Kim Hòa xuất thân theo học môn phái Thanh Long võ đạo tại Phú Yên từ khi mới lên 9 tuổi, nay ngoài 60 tuổi ông đã có một sự nghiệp võ thuật lừng lẫy, được biết đến như là « minh chủ võ lâm » của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông cũng là người đã dành cả cuộc đời đề giữ gìn và nâng tâm hồn võ thuật Việt Nam.

 

Q.C
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo