Thị trường

Đẩy lùi tình trạng “đô la hóa”

Vào dịp cuối năm nay và hơn 10 tháng vừa qua, tỷ giá được duy trì ổn định. Sự ổn định của tỷ giá USD và VND đã góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa , nâng cao giá trị của VND…

Những năm trước, cuối năm là thời điểm không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng phải đi "gom" USD. Doanh nghiệp "gom" USD để thanh toán cho những hợp đồng đã ký trước đó, hoặc tất toán cho ngân hàng, còn người dân mua USD để tích trữ hay phục vụ cho những nhu cầu mua sắm cuối năm. Đồng USD vì thế mà tăng giá vù vù vào cuối năm. Sự khan hiếm đồng USD đã tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ "chợ đen" đẩy giá USD lên cao so với thị trường chính thức. Đã có những thời điểm người ta chen chúc nhau ở những cửa hàng kinh doanh ngoại tệ trên phố Hà Trung để mua USD, khiến giá USD trên thị trường tự do có lúc vượt qua giá niêm yết của ngân hàng tới vài nghìn đồng/USD. Thị trường "nhộn nhạo", người dân và doanh nghiệp tá hỏa vì doanh nghiệp không thể mua USD trong ngân hàng với giá do ngân hàng niêm yết, mà phải mua với giá như trên thị trường tự do. Tình trạng này tạo điều kiện cho việc "đô la hóa" tăng cao, trong khi VND lại mất giá, bởi người dân "đua nhau" đổi tiền VND ra USD để tích trữ, bất chấp tiền USD tăng quá cao so với giá trị thật.

Hơn 10 tháng qua, tình trạng "đô la hóa" đã được đẩy lùi đáng kể khi tỷ giá VND/USD được duy trì khá ổn định. Nhiều tháng liền USD không biến động so với VND. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay, tỷ giá VND/USD giảm. Cụ thể, năm 2008 tỷ giá VND/USD tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,07%, năm 2010 tăng 9,68%, năm 2011 tăng có 2,2%, nhưng 10 tháng đầu năm 2012 giảm gần 1%. Sự ổn định tỷ giá đã tác động tích cực tới tâm lý của người dân cũng như doanh nghiệp. Cảnh người dân "rồng rắn" mang VND đến các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do đã không còn. Doanh nghiệp cũng không còn tâm lý bằng mọi giá "găm" giữ ngoại tệ để đề phòng. VND cũng được đánh giá cao hơn, vì nếu so sánh giữa lãi suất tiết kiệm USD và VND, người dân sẽ được lợi hơn khi gửi VND vào ngân hàng. Thực tế, lãi suất VND được áp dụng tại hầu hết ngân hàng là 9%/năm với kỳ hạn ngắn và 12%/năm với các kỳ hạn dài hơn 12 tháng, trong khi lãi suất USD chỉ ở mức 2%/năm cho khách hàng cá nhân, 1%/năm cho khách hàng doanh nghiệp. Nếu USD ổn định thì việc gửi USD không có lợi bằng gửi VND.

Theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố, nhiều tháng nay, tỷ giá được duy trì ở mức 20.828 VND/USD. Với tỷ giá bình quân này, các ngân hàng thương mại có thể niêm yết giá USD theo biên độ +-1%, tức là mức cao nhất có thể là 21.036 VND/USD, song hầu như không có ngân hàng nào niêm yết mức giá này. Tại hầu hết ngân hàng thương mại, giá USD được giao dịch là 20.840 VND/USD (mua vào) - 20.880 VND/USD (bán ra). Còn trên thị trường tự do, những tháng gần đây, giá USD chỉ quanh dưới ngưỡng 21.000 VND/USD, giao dịch phổ biến với giá 20.860 VND/USD (mua vào) - 20.880 VND/USD (bán ra). Như vậy, giá USD trên thị trường tự do đã không còn chênh lệch với thị trường chính thức như những năm trước.

Sự ổn định của tỷ giá góp phần tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn USD từ người dân và doanh nghiệp, do người dân không còn "mặn mà" với việc "găm" USD, còn doanh nghiệp cũng không phải tích trữ USD. Với lượng lớn USD mua được từ thị trường, lượng dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh so với thời điểm này năm trước, với mức hơn 11 tuần nhập khẩu để có thể chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng chiến lược khi cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia tài chính, từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại tệ có thể biến động hơn nhưng mức tăng không quá 1,5%. Ngay cả khi tỷ giá có tăng khoảng 1,5% cũng không đáng ngại, bởi đây là mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại nên không tác động tới tâm lý của người dân và doanh nghiệp.

 

Việt Nguyên (Theo HNMO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo