Môi trường

Đẩy mạnh chiến dịch giảm cầu sừng tê giác tại Việt Nam

Thừa nhận tình trạng buôn bán, vận chuyển sừng tê giác từ các nước vào Việt Nam diễn ra nhiều năm nay hết sức phức tạp. Nhằm giảm nguy cơ tuyệt chủng của loại động vật quý hiếm này, kêu gọi mọi người không mua hoặc sử dụng sừng tê giác. Tháng 8/2013, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International) triển khai một chương trình tuyên truyền kéo dài 3 năm về giảm cầu sừng tê giác tại Việt Nam.
Hội nghị truyền thông về giảm cầu sừng tê giác tại Việt Nam
Chiến dịch này đã và đang được triển khai tới các bên liên quan chính như phụ nữ, doanh nhân, các đối tượng hành nghề Tây y và Đông y để xây dựng và thực hiện các chiến lược giảm cầu trong cộng đồng. Các cuộc thăm dò ý kiến người dân do Nielsen tổ chức trước và sau chiến dịch cho thấy tầm ảnh hưởng của chiến dịch. Kết quả của chiến dịch cho thấy, sau 1 năm triển khai, số lượng người Việt mua và sử dụng sừng tê giác giảm 38,1% (trước chiến dịch có 4,2 % và sau chiến dịch có 2,6 %). Số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác cũng giảm 25,4 % (trước chiến dịch là 51% và sau chiến dịch là 38%).
 
Trong năm đầu tiên thủ đô Hà Nội được chọn để thực hiện chương trình với sự tham gia tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội, các trường đại học, trường tiểu học và hiệp hội doanh nghiệp. Hà Nội là địa điểm cho thấy tác động của chiến dịch rõ rệt nhất với số người mua và người sử dụng sừng tê giác giảm 77% (trước chiến dịch là 4,5% và sau chiến dịch là 1,0%). Số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác cũng giảm 53,3% (trước chiến dịch là 45% và sau chiến dịch là 21%). Năm 2014, trong số những người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác, 60% cho rằng sừng tê chữa được bệnh ung thư và 40% sừng tê chữa được thấp khớp. kết quả cho thấy dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chiến dịch giảm cầu đối với loài động vật đang bị đe dọa này đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức và thái độ của người dân.
 
Nhu cầu về sừng tê giác là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài này, do vậy việc giảm nhu cầu về sừng tê giác đóng một vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù chương trình mới triển khai được trong một thời gian ngắn nhưng đã có những thành công to lớn trong việc làm thay đổi nhận thức của người sử dụng sừng tê giác và tác động tích cực đến các hành vi của họ. Kết quả này giúp chúng ta có thêm nhiều hy vọng để bảo đảm sự sinh tồn của loài tê giác.
 
Theo ông Đỗ Quang Tùng- Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam nhận định: Kể từ khi chính thức phát động chương trình tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê ở Việt Nam vào ngày 27/8 năm ngoái, đến nay chương trình đã tiếp cận được hàng triệu người bằng nhiều hình thức rất đa dạng. Chương trình đã thu hút sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, Hội Phụ nữ, các tổ chức phi Chính phủ, các trường đại học, trường mầm non cũng như người dân. Nhưng đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam chính thức chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là việc tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê, để cứu giúp loài động vật này trước nguy cơ bị tuyệt chủng, theo thông báo  phát đi hôm qua của Tổ chức nhân đạo quốc tế (Humane Society International).
 
 Việc tuyên truyền vận động trong cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác đóng vai trò hết sức quan trọng; góp phần bảo tồn các quần thể tê giác ở Nam Phi và mọi nơi trên thế giới trước nguy cơ bị hủy diệt.
Nhu Tram
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo