Thị trường

Đẩy mạnh liên kết 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ

Đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết vấn đề về lãi suất vay vốn ngân hàng và bảo đảm nguồn cung cấp điện là các nội dung đưa ra thảo luận tại Hội nghị ngành Công thương 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ, tổ chức ngày 12/7 tại tỉnh Hòa Bình.

(TTXVN) Hội nghị đặt mục tiêu năm nay, toàn vùng phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 67.600 tỷ đồng, tăng 16,7%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong vùng phấn đấu đạt hơn 141.880 tỷ đồng, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD.


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã đề nghị các địa phương cũng như các Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Công thương xác định rõ những tiềm năng, lợi thế chính của từng địa phương; thúc đẩy mối liên kết vùng nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững, là cơ sở quan trọng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, ngành Công thương các tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm và 12 giải pháp chủ yếu như tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung vào hệ thống sản xuất và phân phối điện…

Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại của cả nước; có vai trò to lớn về môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ và là cửa ngõ quan trọng trong triển khai phát triển kinh tế Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.

Đến nay, toàn vùng đã có 84 cụm công nghiệp có quyết định thành lập với diện tích hơn 3.030ha; 107 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 75 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút được 500 dự án, giải quyết việc làm cho gần 32.000 lao động.

Hoạt động thương mại vùng tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng ước đạt hơn 65.200 tỷ đồng; xuất khẩu ước đạt 2,57 tỷ USD, tăng 41,9%; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu như sắt thép, phân bón các loại, hàng nông, lâm sản, phụ kiện may mặc, máy móc thiết bị phụ tùng….

 

 

Vũ Hà

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo