Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Cổng thông tin điện tử Hà Nội dẫn báo cáo của Sở NN&PTNT, trong những năm qua, trên địa bàn TP có nhiều tổ chức, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp (SXNN), nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún. Hiện, tỷ lệ ứng dụng CNC trên địa bàn TP về giống, vật nuôi, thủy sản chiếm 30%; chăn nuôi chiếm 25%, còn diện tích cây trồng chỉ chiếm 5%... thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Từ thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp, ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2020, diện tích XSNN ứng dụng CNC sẽ đạt: 12% diện tích trồng rau; 20% diện tích trồng hoa; 10% cây ăn quả; 33% diện tích trồng chè; 10% diện ích nuôi trồng thủy sản; 50% trang trại chăn nuôi tập trung. Tương ứng có: 1.000 ha rau, 500 ha hoa, 1.000 ha chè, 1.370 ha cây ăn quả… Để thực hiện mục tiêu đó, TP sẽ xây dựng và hoàn thành 1 KCN sản xuất ứng dụng CNC; 20 cơ sở sản xuất giống cây, vật nuôi, thủy sản; 34 cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; 50 mô hình trình diễn SXNN ứng dụng CNC; có 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được Bộ NN&PTNT công nhận. Chuơng trình sẽ đào tạo nghề ứng dụng CNC cho khoảng 4.300 người và tập huấn kỹ thuật cho 42.000 lượt người tham gia. Đầu tư hạ tầng, tiến hành cứng hóa 288 km đường giao thông nội đồng, 337 km kênh mương, xây dựng 486 giếng cấp nước tưới cây trồng… Tổng mức đầu tư cho Chương trình là 13.469 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 994,4 tỷ đồng (chiếm 7,38%), dành để chi đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, bảo quản sản phẩm...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Trần Xuân Việt, quá trình xây dựng Chương trình, đơn vị chủ quản đã lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, có sự khảo sát của HĐND TP., lấy ý kiến các sở, ngành chức năng TP. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản để tăng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế và tăng thu nhập cho nông dân... Thuận lợi của Chương trình là phần lớn cơ sở đầu tư đang hiện có nằm trong các vùng SXNN của tổ chức, hộ gia đình, ít phải thu hồi đất GPMB... Tại phiên họp, các ý kiến nhất trí cao với Chương trình và cho rằng, nguồn lực đầu tư cho Chương trình rất lớn, phần lớn là huy động từ xã hội. Bởi vậy, Chương trình cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực tham gia.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, hiện khu vực SXNN trên địa bàn TP còn lớn, tỷ lệ hộ nông dân chiếm cao, việc đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn là chủ trương lớn và lâu dài của TP. Vì vậy, việc xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao của TP là hướng đi đúng đắn và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đồng tình với Dự thảo do Sở NN&PTNT trình bày, Chủ tịch đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh bố cục Chương trình, trong đó cần làm toát lên cơ sở pháp lý; nghiên cứu, xác định chủ thể, đối tượng tham gia Chương trình, từ đó, đánh giá hiệu quả những mô hình đã và đang tiến hành ứng dụng CNC trong SXNN... Trên cơ sở đó, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lắng nghe ý kiến tham vấn của các nhà chuyên môn, chuyên gia trên các lĩnh vực để xác định trồng cây gì, nuôi con gì và ứng dụng công nghệ loại gì phù hợp nhằm triển khai có hiệu quả một Chương trình lớn của TP.
Cùng ngày, tập thể UBND TP cũng đã họp xem xét, cho ý kiến về việc thu phí, bãi bỏ thu phí tại KCN Thăng Long; việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với các nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, việc thu phí và điều chỉnh thu phí là việc làm thường xuyên của Nhà nước, trên cơ sở các quy định thành Luật (được Quốc hội thông qua cũng như những quy định của Chính phủ). Đối với KCN Thăng Long, đây là thay đổi hình thức bỏ thu phí, sang hình thức thu khác. Bởi vậy, các đơn vị quản lý nhà nước liên quan cần rà soát các quy định thu khác theo quy định của luật, tránh thất thu cho nhà nước. Chủ tịch yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản để trình HĐND TP tại kỳ họp tới xem xét quyết định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh