Xã hội

ĐBQH kiến nghị cho Đại học FPT thí điểm thu học phí bằng tiền ảo

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ nên chấp thuận cho Đại học FPT triển khai thí điểm đối với sinh viên nước ngoài và trong một thời gian nhất định giúp xây dựng một đề án có thực tế và tốt hơn.

Sáng nay, 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 -2020. 

Đại biểu quốc hội Lê Công Nhường kiến nghị cho Đại học FPT được thí điểm thu học phí bằng tiền ảo đối với sinh viên nước ngoài.

Thảo luận tại nghị trường, Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đã có cái nhìn tổng quan về cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Theo đại biểu, cuộc cách mạng công nghệ tác động cả về mặt thuận lợi cũng như bất lợi, nền kinh tế Việt Nam có năng suất thấp cũng như không có những tập đoàn, công ty thuộc loại top hàng đầu thế giới; Áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế.

"Cuộc cách mạng lần thứ 4 quyết định khoảng cách công nghệ và thu nhập giữa Việt Nam và các nước tùy thuộc vào chúng ta có tận dụng được cơ hội, lợi thế của người đi sau hay không".  Đại biểu Lê Công Nhường nêu ý kiến.

Một vấn đề gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây, là việc Đại học FPT đồng ý cho sinh viên nước ngoài nộp học phí bằng bitcoin cũng được đại biểu đề cập trên nghị trường Quốc hội. Vấn đề này Đại biểu cho biết Trường FPT đã bị Ngân hàng nhà nước đã tuýt còi.

Tuy nhiên Đại biểu cũng cho rằng "Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành 1 chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và trong toàn xã hội nói chung". Đại biểu cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý và xử lý các tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử.

"Tôi mong Chính phủ cần phải tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán, trao đổi đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước đã công nhận là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan. Tôi kiến nghị Chính phủ nên chấp thuận cho FPT triển khai thí điểm đối với sinh viên nước ngoài và trong một thời gian nhất định giúp xây dựng một đề án có thực tế và tốt hơn". Đại biểu Lê Công nhường kiến nghị.

 

Về vấn đề này, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC, cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành, thì Bitcoin là một loại tài sản và không bị cấm giao dịch, vì vậy mọi người có thể mua bán, tặng cho, giao dịch hợp pháp theo quy định về mua bán, giao dịch hàng hoá, tài sản. Đặc biệt là có thể trao đổi Bitcoin với một tài sản khác theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

 Tuy nhiên, nếu sử dụng Bitcoin với tư cách là một đồng tiền hay phương tiện thanh toán nói chung hay để thanh toán học phí nói riêng thì lại là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp.

Bên cạnh các vấn đề công nghệ, đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường còn băn khoăn nhiều vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong nước như còn nhiều giấy phép con, đoàn kiểm tra gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, số lượng đoàn kiểm tra liên quan đến quản lý thị trường, đo lường, an toàn thực phẩm,… phải tiếp mỗi năm quá nhiều đoàn, nội dung kiểm tra thì trùng lắp và chồng chéo, quy định xuất nhập khẩu làm khó doanh nghiệp, gây ách tắc hàng hóa,…

Cần tránh tình trạng "Chính phủ ngày càng kiến tạo, còn khâu thực thi 'hành' ngày càng bạo", đại biểu Nhường phát biểu.


Nên đọc


Cao Lâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo