ĐBQH thảo luận tầm nhìn quy hoạch "dài hơi"
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ), ban hành luật này sẽ phải đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác. Đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, thời gian tiếp cận luật quá ít. Đại biểu Xuân đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các Luật khác khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Theo Thông tấn xã Việt Nam.
Qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật phải sửa để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự án luật này vì theo đại biểu, Luật này mang nặng tính kế hoạch, tập trung. Bộ Kế hoạch - Đầu tư như là tổng quản. "Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng luật này lại quy hoạch thị trường là khó khả thi", đại biểu Hồng nêu.
Về chi phí cho hoạt động lập quy hoạch, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công hiện nay không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó, cần sửa đổi Luật Đầu tư công để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của Luật Quy hoạch.
Liên quan đến quy trình lập quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích: Theo dự thảo, quy trình quy hoạch đang được thực hiện theo trình tự cấp cao làm trước, cấp dưới làm sau. Cụ thể, sau khi lập quy hoạch quốc gia, như quy hoạch không gian biển, quy hoạch ruộng đất xong mới chuyển đến lập quy hoạch ngành, sau đó lập quy hoạch vùng quốc gia, cuối cùng mới đến quy hoạch tỉnh.
Theo đại biểu TP Hà Nội, trình tự quy hoạch này có những điều cần tính đến. Thứ nhất, qua thực tiễn cho thấy, thời gian để hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất (cấp tỉnh), đặc biệt là các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, không thể dưới 5 năm. Đại biểu ví dụ, ngay tại Hà Nội, quy hoạch chung TP Hà Nội đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều huyện vẫn chưa có quy hoạch. Ngoài ra, sau khoảng 5 năm, khi quy hoạch đến cấp dưới thì quy hoạch cấp trên lại đến kỳ điều chỉnh, do đó, không có căn cứ để đầu tư.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, quy định quy hoạch cấp dưới khi gặp vấn đề mâu thuẫn cũng phải điều chỉnh để tuân thủ quy hoạch cấp trên, sẽ dẫn đến khó phù hợp với thực tế. Do đó, để tránh tình trạng quy hoạch theo kiểu “miễn cưỡng”, đại biểu đề nghị cần tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp theo quy trình “2 xuống, 1 lên”. Nghĩa là, lập dự thảo quy hoạch từ cấp cao đến cấp dưới; điều chỉnh quy hoạch cấp dưới xong thì đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp cao hơn. Sau đó, phê duyệt quy hoạch thì từ cấp cao xuống cấp thấp: Quy hoạch quốc gia rồi đến quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đại biểu cho rằng, nếu tiến hành đồng thời như trên thì chỉ trong thời gian 2-3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch.
Băn khoăn về quy hoạch ngành, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, nếu theo dự thảo thì mạnh ngành nào ngành ấy quy hoạch, khó khắc phục được tình trạng quy hoạch không thống nhất. Đại biểu kiến nghị quá trình lập quy hoạch nên từ cấp cơ sở mới đến cấp quốc gia, để tránh chồng chéo, quy hoạch chồng quy hoạch.
Một số ý kiến cho rằng, quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý, đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn không ổn định cho phát triển lâu dài, do đó thời kỳ quy hoạch cần thống nhất cho từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ liền kề nhau, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để bảo đảm sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 8 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để bảo đảm tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch. Báo Quân đội nhân dân thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo