Xã hội

Đề án giảm mất cân bằng giới tính: Nhiều dư luận trái chiều

Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013 - 2020 , trong đó có nội dung, hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái. Đây được coi là chính sách nhân văn, tuy nhiên, đã có nhiều dư luận trái chiều về tính hiệu quả của đề án.

Được thưởng tiền, miễn phí đào tạo nghề

Để góp phần giảm mất cân bằng giới tính, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chính sách ưu tiên gia đình chỉ sinh 2 con gái. Cụ thể, sinh 2 còn gái sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế...

Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con gái một bề sẽ như một giải pháp tức thì đánh mạnh vào tư tưởng trọng nam khinh nữ, giúp các bậc cha mẹ vững lòng nuôi dạy con.

Cùng với đó, kết hợp với các biện pháp tác động vào hương ước làng, gia phả dòng tộc để thay đổi quan niệm chỉ con trai mới được thờ cúng tổ tiên, ghi tên vào gia phả... Như vậy, đề án can thiệp giảm tải mất cân bằng giới tính khi sinh đang "gỡ" từng nút mối lo của người dân khi sinh con gái một bề, tiến tới mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về với "tự nhiên".

Chỉ là giải pháp tạm thời

Khi Bộ Y tế đề xuất chính sách này, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, đây là vấn đề thiết thực, cần phổ biến và áp dụng trên toàn quốc. Ngay từ đầu năm 2013, tỉnh Thái Bình đã thực hiện hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái. Mỗi gia đình sinh 2 con gái được hỗ trợ một chiếc quạt cây (trị giá gần 1 triệu đồng). Ông Dương Quốc Trọng đánh giá cao biện pháp này: "Khi bố mẹ và 2 con gái mang quạt về thôn, làng xóm ngỡ ngàng, họ bảo sinh 2 con gái nên được thưởng. Đó là ý nghĩa vinh danh, ý nghĩa tuyên truyền rất tốt".

Song bên cạnh đó cũng có nhiều người không đồng tình. Một cán bộ Sở Y tế Hà Nội cho rằng, chính sách này chạm đến tự ái của con người và phân biệt giới tính. Các bé trai không có lỗi khi sinh ra, mà lại không được chào đón như bé gái. Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn: "Kiểm soát vấn đề mất giới tính khi sinh rất khó, đòi hỏi sự tham gia của mọi cấp, ngành để tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của người dân. Các biện pháp kinh tế chỉ có hiệu quả nhất định, không phải là cây đũa thần, không phải thứ để giải quyết căn cơ vấn đề. Nó chỉ có tác dụng đối với những hộ nông dân, những người nghèo, mà cũng chỉ chút ít, chứ những người có học, có điều kiện, biện pháp kinh tế này chẳng có ý nghĩa".

Chính vì vậy dù Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính nhưng mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ giới tính khi sinh dưới mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái xem ra rất khó thực hiện.

 

 

Đoàn Huế (Theo KTĐT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo