Pháp luật

Để bắt đầu, chẳng bao giờ muộn

Một thanh niên năm 19 tuổi phải vào tù vì tội giết người. Sau đó là hơn hai thập kỷ ngồi bóc lịch cho tội lỗi ấy.

Anh Shaka Senghor - Ảnh: MIT

 

Nhưng với anh, đó không phải là kết thúc mà là sự mở đầu hành trình tìm lại gốc rễ thiên lương của bản thân.

 
Đó là Shaka Senghor, 43 tuổi, người mà cách đây năm năm vừa được trả tự do sau hơn 20 năm tù vì tội dùng súng bắn chết người.
 
Bất kể nguyên nhân vụ việc là gì, án tù hơn hai thập kỷ cùng với một thời thanh niên sôi nổi trải qua trong xà lim có lẽ cũng là sự công bằng của luật pháp và công bằng của cuộc đời.
 
Nhưng không ngờ người đàn ông da đen này chỉ sau năm năm ra tù đã có cuộc bứt phá vô cùng ngoạn mục.
 
Anh đã giành được một học bổng tại MIT Media Lab, có công việc ở Công ty BME, tham gia giảng dạy tại các trường đại học như Michigan, Wisconsin-Platteville, Fordham, Wayne State, Marygrove và Peace. Quan trọng hơn, anh có một mái ấm tuyệt vời với người vợ đã thủy chung chờ đợi anh suốt 19 năm và một con trai bé bỏng.
 
Nhưng mọi sự không phải tự nhiên mà tới với Shaka Senghor. Nhà tù không phải là nơi dễ dàng để người ta tìm lại bản chất chân thiện từ lúc sinh ra.
 
Chính Shaka Senghor từng thừa nhận hồi mới vào tù, uất ức với sự trớ trêu của số phận, căm phẫn những ràng buộc ngặt nghèo của kỷ luật trại giam, đổ lỗi cho cha mẹ ly hôn khiến con cái lâm vào tù tội... anh trở thành một kẻ thường xuyên nổi nóng, cay cú và tìm mọi cách vẫy vùng chống trả số phận.
 
Anh tiếp tục lấy những sai lầm sau để sửa chữa cho các sai lầm trước. Anh buôn bán ma túy, hàng cấm và cho vay nặng lãi trong tù. Anh trở thành cái gai trong mắt các quản trại và khó chịu tới mức họ tống anh vào khu biệt giam.
 
Gần như suốt những năm tháng đó, Shaka Senghor chưa hề một lần nhớ lại anh từng là học sinh giỏi thời niên thiếu, từng mơ thành bác sĩ, từng muốn mình trở thành một cá nhân xuất sắc, đóng góp cho xã hội như thế nào.
 
Trên website cá nhân, Shaka Senghor thừa nhận mặc dù khu biệt giam là một trong những nơi vô nhân tính nhất, nhưng anh đã biến đổi cuộc đời mình cũng chính từ trong bốn năm rưỡi bị “chôn” trong “địa ngục trần gian” ấy.
 
Một ngày, Shaka Senghor nhận được bức thư từ thân nhân của người bị anh bắn chết. Trong thư, người phụ nữ đã nói tha thứ cho anh. Bà thấu hiểu những bức bối trong cuộc sống thiếu may mắn của một thiếu niên da đen mới lớn trót sinh ra trong tổ ấm không còn nguyên vẹn.
 
Có lẽ bức thư không giúp giảm cho Shaka Senghor năm tháng tù giam nào, nhưng đã trả tự do cho tâm hồn anh kể từ lúc đọc. Lần đầu tiên anh tự tha thứ cho bản thân sau nhiều năm gặm nhấm tội lỗi. Lần đầu tiên anh cảm thấy cuộc đời còn biết bao lẽ sống khi con người vẫn có thể dành cho nhau sự bao dung, ngay cả trong những lỗi lầm khủng khiếp nhất.
 
Và nữa, khi nhận được lá thư của con trai nhỏ gửi vào tù cho cha, Shaka Senghor đã lặng người khi thấy con viết bảo biết nguyên nhân vì sao cha phải vào tù. Sự thật vẫn phải là sự thật, nhưng sự thật làm một người cha phải vào tù vì tội giết người khiến Shaka Senghor đau khổ và vô cùng xấu hổ trước con. Anh đã tự nhủ cần phải làm gì để con trai không còn tự ti, xấu hổ mỗi lúc nhắc tới cha.
 
Cũng trong những ngày ấy, một sự cứu rỗi quan trọng nữa đã đến với anh, đó là văn chương. Trước khi vào tù, anh chưa từng biết tới văn sĩ tài hoa nào người da đen, cũng chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình trở thành người cầm bút. Nhưng thời gian ở tù, có dịp đọc sách vở, anh hiểu rằng hóa ra có rất nhiều người da đen như anh đã trở thành các tác giả văn chương xuất sắc.
 
Và rồi Shaka Senghor đến với những trang viết ghi lại trải nghiệm đã qua suốt 19 năm tù, từ lúc còn là chàng thanh niên bẻ gãy sừng trâu tới cái tuổi đã sang dốc bên kia cuộc đời. Anh viết như một cách để giãi bày sự hối cải. Viết để sẻ chia với bạn tù, những người chung cảnh ngộ.
 
Anh nhận ra gần như tất cả những người quanh mình, dù là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, dù vì bất cứ lý do nào sa vào tù tội, đều có thể thay đổi và hoàn lương nếu được tạo điều kiện phù hợp và được ủng hộ, tin tưởng.
 
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh là Shadow watchers (Những người xem bóng tối) và cuốn thứ hai Crack (Vỡ) được viết trong thời gian Shaka Senghor ở tù. Sau đó anh còn viết tiếp phần 2 của cuốn Crack và xuất bản nó trong dịp kỷ niệm một năm ngày ra tù năm 2011.
 
Tới nay anh đã viết và xuất bản sáu cuốn sách, cuốn mới nhất là Live in peace: A youth guide to turning hurt into hope” (“Sống trong bình yên: Chỉ dẫn cho bạn trẻ cách thức biến đau thương thành hi vọng”).
 
Trong cuốn hồi ký Writing my wrongs (Viết về những lỗi lầm của tôi) hoàn thành năm 2012, anh viết về những bi kịch đã đẩy anh vào tù. Nó cũng là hành trình đưa anh từ một gã thanh niên bầm giập trước cuộc đời trở thành người đàn ông sống có mục đích, tầm nhìn. Anh chia sẻ những gì đã trải qua cho anh bài học sâu sắc về tầm quan trọng của những suy nghĩ tích cực và việc xây dựng mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.
 
Shaka Senghor viết: “Một trong những điều khó làm nhất là thừa nhận chúng ta sai, ngay cả khi chúng ta tự làm tổn thương mình. Trải nghiệm quá khứ khiến tôi hiểu rằng những người bị tổn thương thường sẽ làm tổn thương người khác, theo đó tạo ra cái vòng luẩn quẩn của những đổ vỡ trong các gia đình và cộng đồng chúng ta.
 
Khi chúng ta cứ giữ mãi sự tức giận, xấu hổ và không muốn tha thứ cho những người làm tổn thương ta, ta đã tự đầu độc mình và các mối quan hệ, đồng thời tạo nên một nhà tù giam giữ trái tim và tâm trí mình.
 
Mặc dù tôi đã ngồi tù về mặt thực thể trong 19 năm, nhưng tôi học được một điều suốt những năm ngồi ở khu biệt giam là: nhà tù chỉ là trạng thái của tâm trí. Nếu có thể thoát khỏi những nỗi đau, sự phản bội trong quá khứ và tái lập cách nghĩ của mình, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại cuộc sống theo cách chúng ta muốn”.
 
Theo Tuổi Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo