Dễ dãi gửi tiền, mất sạch 700 tỷ đồng
Tại phiên xét xử “bầu” Kiên hôm qua, Tòa tiếp tục làm rõ hành vi cố ý làm trái, xung quanh chủ trương của Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi vào các ngân hàng khác. Ở một diễn biến khác, qua lời khai của Huỳnh Thị Huyền Như, cho thấy lỗ hổng chết người ở ACB khi đem cả trăm tỷ đồng đi gửi…
Phạm luật do... chưa có hướng dẫn ủy thác đầu tư
Theo kết quả điều tra, ngày 22/3/2010, ACB có cuộc họp thường trực Hội đồng quản trị với sự tham gia của Hội đồng sáng lập Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch) cùng một số cán bộ liên quan, bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư. Tại cuộc họp, ông Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗi khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Riêng “bầu” Kiên chỉ đạo, không được làm giảm tổng tài sản của ngân hàng, do vậy không chấp nhận giảm lãi suất huy động.
Với cương vị Tổng GĐ, ông Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. Đề xuất này được “bầu” Kiên đồng tình.
Ngay sau đó, các thành viên thường trực Hội đồng quản trị (Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải) thống nhất và cùng ký vào biên bản, với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng GĐ kiểm sát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng…; ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác”.
Thực hiện chủ trương trên, từ 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải chỉ đạo và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB) thực hiện ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên đem đi gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM. Toàn bộ số tiền trên sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt.
Viện KSND Tối cao cáo buộc, bằng Nghị quyết của thường trực Hội đồng quản trị ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác là hành vi vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho ACB hơn 718 tỷ đồng.
Cũng theo cáo buộc, việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thu lợi cho ACB số tiền lãi vượt trần hơn 243 tỷ đồng. Do số tiền lãi thu được từ hoạt động này đã được ngân hàng hạch toán, trích nộp thuế theo quy định, và không gây thiệt hại về tài sản cho ACB, nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
ACB gửi tiền kiểu “đem con bỏ chợ”?!
Liên quan đến hành vi gửi hơn 718 tỷ đồng của ACB, Tòa tập trung thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như. Theo đó, Huyền Như khai quen biết Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng quản lý quỹ ACB. “Thời gian đầu trao đổi với chị Ngọc, tôi không biết đó là tài sản của ACB, mãi sau này tôi mới biết. Khi hai bên thỏa thuận tiền lãi, hoa hồng, chị Ngọc bảo tôi cho số tài khoản để chị ấy chuyển tiền vào cho tôi, rồi mới làm thủ tục sau” – Huyền Như khai.
Nói về những kẽ hở từ phía ACB, Huyền Như cho biết, thông thường khi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng, họ phải đến tận nơi để đối chiếu. “Nhưng riêng với ACB, họ không yêu cầu tôi làm điều đó, cứ bảo đọc tài khoản để họ chuyển tiền là xong, rồi làm thủ tục sau” – Như nói.
Giải thích về lý do chiếm đoạt dễ dàng 718 tỷ đồng, Huyền Như cho rằng, thực tế đây không phải tiền của các nhân viên ACB, nên họ chủ quan không tuân thủ đúng các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
“Khi ký kết hợp đồng tiền gửi, bà Ngọc không có bất cứ phản hồi nào với những dịch vụ mà tôi cung cấp nên tôi cứ tiến hành. Sau khi tiền về tài khoản, người gửi tiền có quyền kiểm tra số dư tài khoản, nếu phát hiện tài khoản sử dụng sai mục đích thì báo lại ngân hàng. Tuy nhiên, phía khách hàng ACB không có động thái đó, bên bà Ngọc không quan tâm tôi trích tiền ra làm gì, đó là điều kiện để tôi chiếm đoạt tiền một cách đơn giản”.
Giải thích thủ đoạn “chuyển hóa” số tiền trên, Huyền Như thẳng thắn thừa nhận, sau khi nhận được tiền từ phía ACB, “siêu lừa” đã lập nhiều sổ tiết kiệm, rồi chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm, sau đó tự tất toán để chuyển tiền đi thông qua các hợp đồng giả”- Huyền Như nói.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo