Để dòng vốn khơi thông: Mỗi bên cần “lùi một bước”
Khó “lọt” cửa ngân hàng
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VISAME) cho biết: Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dự báo trong năm 2015 các DN sẽ có nhu cầu khá lớn về nguồn vốn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là trong dài hạn của DN còn rất khó khăn. Hiện nay, có khoảng 70% DN quy mô vừa và nhỏ không thể vay vốn từ ngân hàng do chưa đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Đó là phần lớn DN không có tài sản thế chấp. Ngoài ra, vài năm gần đây các DN làm ăn lãi ít, thậm chí không có lãi càng khiến phía ngân hàng thiếu mặn mà cho vay.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Các DN trong ngành chăn nuôi cũng đang “vấp” ở khâu vay vốn. Nguyên nhân xuất phát từ đặc thù ngành chăn nuôi chứa nhiều rủi ro, phía ngân hàng e ngại, cộng với việc một số DN còn nợ đọng vốn từ trước nên việc vay vốn càng xa vời hơn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Rừng việt Tây Bắc (Điện Biên) chia sẻ, mới đây, Công ty đã đăng ký vay khoảng 40-50 tỷ đồng theo Chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi đăng ký với Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, DN nhận được câu trả lời do đăng ký chậm nên chưa được đưa vào diện xem xét. Việc vay vốn này đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. “Trong trường hợp cụ thể của Công ty CP Rừng việt Tây Bắc, có thể DN chưa vay được vốn là do nhiều yếu tố, khúc mắc tại các khâu khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DN hiện nay dù có hướng đầu tư, làm ăn hiệu quả nhưng vẫn chưa tiếp cận được vốn là bởi không vượt qua được yêu cầu “cứng” cần có tài sản thế chấp từ phía ngân hàng”, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Mỗi bên lùi một bước
Ông Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, hiện nay các ngân hàng đang lựa chọn phương án kinh doanh quá an toàn, nhất là tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhiều ngân hàng xây dựng khung yêu cầu, điều kiện rõ ràng, buộc DN phải đáp ứng đầy đủ mới cho vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng lại không có sự thẩm định xác đáng ngành nghề, định hướng, dự án kinh doanh khả thi của DN để “nới lỏng” điều kiện cho vay.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Thông thuận Ninh Thuận cho biết: Trước khi cho một DN nào đó vay vốn, ngân hàng luôn có quá trình xem xét, thẩm định mọi mặt của DN. Tuy nhiên, đa phần các cán bộ ngân hàng thẩm định DN lại không hiểu về lĩnh vực hoạt động thực sự của DN. Do đó, quá trình thẩm định thiếu độ chính xác, dẫn tới nhiều DN đáng được vay thì không vay nổi, có những DN không có khả năng trả nợ đầy đủ thì lại nhận được vốn. Sau những vụ việc nhất định, ngân hàng “ngại” DN, dè chừng DN nên nhiều DN quy mô vừa và nhỏ khó chạm vào vốn. Thực tế, ngân hàng nên có những cán bộ am hiểu từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để thẩm định cho chuẩn xác. Điều này vừa tăng độ an toàn cho ngân hàng, cũng sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Ông Cao Sỹ Kiêm phân tích: Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, ngân hàng dư dả tiền, DN cần vốn mong được vay nhưng cả hai bên chưa gặp được nhau vì chưa thực sự tìm được “tiếng nói chung”. Đối tượng nào cũng đứng trên góc độ của riêng mình nhằm đảm bảo quyền lợi. Để tháo gỡ điều này, cả hai bên cần nghiêm túc thảo luận và quan trọng là mỗi bên chịu “lùi một bước”. Ví dụ như, DN xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hiệu quả, cam kết với ngân hàng tập trung kinh doanh mặt hàng mũi nhọn triển vọng sinh lời để ngân hàng tin tưởng. Cùng với đó, ngân hàng không nhất thiết phải yêu cầu DN có tài sản thế chấp mới được vay tiền mà có thể chấp nhận lấy đối tượng vay làm tài sản thế chấp. Đặc biệt, phía ngân hàng cần có tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng DN để DN đạt được mục đích cuối cùng là làm ăn có có lãi, đủ khả năng hoàn trả tiền vay cho ngân hàng.
Từ ngày 1-1 đến ngày 31-3, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) triển khai gói hạn mức tín dụng ưu đãi cho DN bằng VND và USD. Cụ thể, gói lãi suất USD với hạn mức tín dụng 25 triệu USD, lãi suất từ 1,8%/năm; gói lãi suất VND với hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7%/năm.
Không chỉ cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi trong những tháng đầu năm như PVcomBank, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) còn triển khai chương trình “Ưu đãi tăng trưởng tín dụng khách hàng DN năm 2015” trong cả năm 2015.
Theo đó, trong năm 2015, DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để bổ sung vốn lưu động sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi tối thiểu là 7,5%/năm. Khách hàng DN có nhu cầu vay trung hạn bằng VND để đầu tư mua sắm mới hoặc thêm tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 2%/năm so với lãi suất thông thường.
Ngoài ra, các khách hàng DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng USD cũng sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất, tối thiểu là 3,5%/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ