Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn về chống tham nhũng, lãng phí
Sáng nay (29/7), tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Sau đó, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Theo ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 là rất tích cực, rất đáng khích lệ...
Trong phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế về tình hình kinh tế, xã hội trong thời gian tới. Cụ thể, Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm nay là tương đối khó, song cũng chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu vì dư địa tăng trưởng còn rất lớn và nếu tăng trưởng cả năm đạt dưới 6,7%, thậm chí đạt 6% thì cũng là khá tốt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt như hiện nay.
“Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng; phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…, có như vậy mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững…”, đại biểu Phạm Phú Quốc nêu quan điểm.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ cao đối với quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch; Chính phủ hành động, phục vụ; lấy hiệu quả việc làm thước đo... đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên-Huế) đề nghị Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đặc biệt, trong thực thi công vụ phải có đánh giá đa chiều về chất lượng, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; có các biện pháp đủ mạnh để áp trách nhiệm, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng trước các vụ việc, nhiệm vụ thì “thành công là của chúng tôi, còn thất bại là của chúng ta”.
Bênh cạnh đó, Đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng đề nghị bên cạnh việc kiểm soát, thực hiện tốt công tác thẩm định các dự án đầu tư, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong kêu gọi đầu tư, nhất là kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài và nếu làm tốt công tác này sẽ tạo ra động lực rất lớn cho phát triển kinh tế, góp phần vào tăng trưởng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Một trong những vấn đề lớn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác bảo vệ môi trường, nhất là sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Các đại biểu cho rằng vụ việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, xử lý triệt để các sự cố môi trường, hỗ trợ ngư dân, bảo đảm ngư trường cho ngư dân đánh bắt, ra khơi bám biển; dành sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái; phòng chống hạn hán, xâm nhập mặt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết, khí hậu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo