Đề nghị tăng thuế để chống tác hại của thuốc lá
Tác hại của thuốc lá gây nên gánh nặng cho nền kinh tế
Thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 19/4/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại - Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Trong khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, khoảng 69 chất gây ung thư. Nicotine trong khói thuốc lá được xếp vào nhóm có tính dược lý gây nghiện tương tự như cocain và heroine.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn khói thuốc lá được khoa học chứng minh còn gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như tim mạch, các bệnh về hô hấp, ung thư phổi… Chính vì tác hại của thuốc lá như vậy nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, số ca tử vong sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Mỗi năm thuốc lá giết chết khoảng 6 triệu người trên thế giới, trong đó 5 triệu người là do sử dụng thuốc lá và khoảng 600.000 người do tác hại của hút thuốc lá thụ động. Việt Nam mỗi năm có 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tác động của thuốc lá dẫn đến chi phí y tế tăng cao; mất năng xuất lao động; mất ngoại tệ do nhập khẩu nguyên liệu và thuốc lá; suy thoái môi trường do thuốc lá gây ra…
Theo số liệu khảo sát của GATS vào năm 2015, 1 năm người Việt Nam chi 31.000 tỷ đồng để hút thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động và ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây là 24.000 tỷ đồng bằng 1% GDP.
Tại hội thảo, bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam đã trình bày về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện môi trường không khói thuốc. Theo bà, Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ giảm các thiệt hại cho kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo, tăng sức khỏe cũng như tuổi thọ của người dân.
Là nước đứng trong nhóm 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần “thoát” khỏi bảng xếp hạng này bằng cách đạt mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia về phong chống tác hại của thuốc lá đã đặt ra là giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020.
Tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết?
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Tại Việt Nam, hiện thuế nhập khẩu thuốc lá đang duy trì ở mức 135%. Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho thuốc lá ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, vì vậy tạo động lực gây ra buôn lậu thuốc lá”.
Số liệu điều tra hút thuốc ở người trưởng thành (GATS) 2015 cho thấy: 91,8% các nhãn thuốc Jet và Hero được tiêu thụ tại 2 vùng là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Thuốc lá lậu nhãn Jet và Hero có hàm lượng nicotine rất cao, hợp với những người nghiện nặng thuốc lá. GATS còn cho thấy, mức giá trung bình của Hero và Jet cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30 - 60%.
Theo các chuyên gia, tăng thuế thuốc lá sẽ có tác động làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, ngăn ngừa thanh thiếu nhiên hút thuốc. Thuế cao hơn làm giá thuốc tăng, khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút và ngăng ngừa một bộ phận bắt đầu hút thuốc.
Tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới: Trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%. Chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD/bao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam tỷ lệ tính thuế giá bán lẻ thấp, thì tăng thuế thuốc lá thường không dẫn tới mức tăng lớn trong giá bán thuốc lá hoặc mức giảm mạnh đối với người tiêu dùng, nhưng lại đem lại doanh thu từ thuế thuốc lá ở mức rất đáng kể cho quốc gia.
Các đại biểu cũng đã phản ánh về tình hình thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá trên thế giới, các đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để góp phần đạt mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Vì vậy các chuyên gia thống nhất nên áp dụng phương thức tăng thuế để giảm hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 5/1/2025: SJC dao động quanh mức 85 triệu đồng/lượng
‘Thúc’ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội
Giá ngoại tệ ngày 5/1/2025: USD giảm tốc sau chuỗi tăng trưởng mạnh
Langfarm Center: Điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm mới lạ của Đà Lạt
Giá nông sản ngày 5/1/2024: Cà phê ổn định, hồ tiêu tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 5/1/2025: Biến động tăng trên cả ba miền