Chân dung

Đệ nhất Mộc lan

Khắp Tây Bắc, không ai có nhiều lan hơn gã, số lan quý hiếm gã có nhiều bằng cả miền Bắc cộng lại. Gã cao lớn, đi rừng khoẻ, leo núi trèo cây như khỉ, thế nên gã giàu. Gã sẽ còn giàu nữa khi cả miền Bắc, chỉ có gã trồng được dâu tây.
Suýt là đạo diễn

Gã tên là Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1962 ở Bản Áng, xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La. Gã cao lớn gần 1,9m, nặng trên 100 cân. Đứng trước gã, người khác thấy nhỏ bé và nghĩ gã hợp với những việc xốc vác nặng nhọc. Nhưng không ngờ, gã làm "nghề hứng hoa", chỉ vì gã suýt là đạo diễn.

Chuyện là hồi nhỏ gã được học hành tử tế nên thi đậu và học khóa 7 Trường Sân khấu Điện ảnh. Ước mơ của gã không chỉ làm một diễn viên nổi tiếng mà còn làm một nhà báo giỏi. Thế nên, khi ra trường, vừa tham gia làm phim, gã vừa đi viết báo.
 
Lăn lộn bao nhiêu năm để học nghề, khi chuẩn bị làm đạo diễn, bỗng gã hoảng hồn chạy một mạch về cao nguyên Mộc Châu bảo mẹ: "Con bỏ Hà Nội nhé, ở đấy sợ lắm!" - mẹ gã bảo: "Tùy mày, muốn làm gì thì tùy, nhưng rồi mày sẽ chẳng làm được gì ra hồn đâu".

Thế là gã buồn, gã lên rừng chơi như thời niên thiếu. Gã thấy lan rừng mọc khắp, bám quanh những thân cây gỗ to sù sì cổ thụ. Gã gỡ về chơi lan, một lần rồi nhiều lần như thế, nhà gã tràn ngập toàn phong lan. Bạn bè lên chơi, mua gã không bán, chỉ cho không.

Rồi đùng một cái, gã thuê một mảnh đất to như sân vận động giữa thung lũng chỉ để treo lan. Gã bỏ nhà bỏ cửa ra thung lũng sống cùng lan rừng. Gã bảo: "Sống với lan như được ngồi thiền, thư thái thảnh thơi lắm, đã vào nghiệp chơi lan thì không bỏ không dứt được đâu".

Và quả thật, từ đó đến nay ở Mộc Châu, chưa ai thấy gã bước chân ra khỏi vườn lan một giây phút nào. Thế nên gã tự nhận mình là "tù nhân của lan".


Lan nhiều không đếm xuể

Thăm vườn lan của gã rộng trên 2ha bạt ngàn những lan, nào là lan đuôi chồn đuôi cáo, hoàng thảo, cẩm báo, kiều, tam bảo sắc... và nhiều loại không gọi thành tên treo lửng lơ giữa vườn, rạp dưới đất, lủng lẳng trên cây.

Tôi hỏi gã tổng cộng có bao nhiêu loài lan và bao nhiêu chậu lan trong vườn? Gã bảo: "Không biết, không đếm được, chỉ biết ngày nào cũng phải đem về vườn một loài lan quý".

Đã có một nhà kinh tế đến vườn lan của gã để thăm, anh ta hoạch định tổng số lan để quy ra tiền bằng trên 20 tỷ đồng. Một con số khổng lồ nhưng gã bảo: "Quan trọng gì số tiền mà quan trọng là thú vui và ý nghĩa khi chơi lan". Nhờ lan, gã mới có vợ và nhờ lan gã mới tạo được cơ đồ như ngày hôm nay.

Gã cho hay, trước đây để có được lan quý, gã phải lặn lội khắp các cánh rừng già không chỉ vùng Sơn La mà cả Tây Bắc, Đông Bắc. Thậm chí, men theo các cánh rừng, gã vượt suối băng vào tận miền Trung rồi ven rừng Trường Sơn tìm lan, gã tiến sát Đà Lạt và hốt hoảng bởi vẻ đẹp, quy mô của những vườn lan nơi này.

Thế là gã về lại Mộc Châu, nhờ bạn bè tìm lan quý ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây để gửi về cho gã. Khi có một loài lan đẹp, gã sẽ ngồi nghĩ ra một cái tên cho hợp, rồi nghiên cứu kỹ lưỡng cách trồng trọt, chăm sóc sao cho lan phát triển sinh sôi.

Gã thành thật, gã từng nhiều lần suýt chết vì lan. Vào rừng leo núi trèo cây rồi sẩy chân ngã, 3 lần gẫy tay, 2 lần gẫy chân và vô số lần xây xát nhưng vẫn không nản. Gã bảo: "Hình như mình càng đau nhiều thì hoa lan càng nở đẹp, càng rộ và lâu tàn".

Cũng chính vì đam mê và số lượng lan trong vườn khổng lồ nên dân chơi lan nói riêng và người Sơn La nói chung đều gọi gã là "đệ nhất Mộc lan", gã gật gù với danh hiệu ấy.

Vườn lan rộng trên 2ha là một tài sản lớn.
Vườn lan rộng trên 2ha là một tài sản lớn.

Chăm lan hơn chăm vợ

Nhờ phong lan, gã Tuấn to lớn như hộ pháp mới "lừa" được cô gái Nguyễn Hồng đẹp nhất cao nguyên về làm vợ. Nhưng vợ gã thất vọng nhiều vì gã mê lan hơn mê vợ.

Lịch của gã khá dày đặc, sáng dậy lúc 5 giờ để ra xem vườn lan. 12 giờ trưa mới rời những giỏ lan để về cơm nước, buổi chiều lại dành trọn cho lan. Cứ thế, ngày nào cũng vậy, thậm chí ban đêm, gã còn ngủ luôn ở vườn để "phục vụ" lan rừng.

Cách chăm sóc lan của gã lại càng cầu kỳ và không giống ai. Ngoài việc tưới nước, bón phân đến cắt tỉa, nhân giống đều phải thật tỉ mỉ. Nước "tắm" cho lan phải là nước suối sạch, nước rửa cho hoa lan phải là sương đêm. Khi cắt tỉa lan, gã bao giờ cũng dùng những vật dụng sạch như ngành y tế để thực hiện công đoạn. Gã bảo: "Làm thế cho lan đảm bảo, tránh nhiễm trùng".

Khi lan chẳng may bị bệnh, gã chạy đôn chạy đáo tìm thuốc chữa và "phục dịch" còn hơn mẹ đẻ. Vợ gã bảo: "Bao nhiêu người bảo anh ấy yêu lan ít thôi, anh ấy không chịu nên người ta bảo anh ấy hâm".

Còn gã bảo: "Tớ hâm nhưng hâm ra tiền, cậu biết không, mỗi giỏ lan của tớ trung bình có giá 6 - 7 triệu đồng, có giỏ lan cao cấp ghép gỗ lũa lên tới hơn 30 triệu đồng chứ đâu có ít".

Theo anh Tuấn, kẻ thù lớn nhất của hoa lan là bọ xít.
Theo anh Tuấn, kẻ thù lớn nhất của hoa lan là bọ xít.

Kỳ tích dâu tây

Năm 2010, có hai kỹ sư người Nhật Bản đến Mộc Châu trồng thử nghiệm dâu tây, gã hào phóng cho họ mượn 1.000m2 đất. Vậy là gã may mắn khi hai người Nhật Bản này trồng thất bại và bỏ đi. Gã tiếp nhận vườn dâu tây không ra quả kia để nghiên cứu.

Gã đem về vườn một lượng lớn dâu tây và trồng theo cách của mình, tức là "nâng như nâng trứng", dùng kỹ thuật cao để chăm sóc, cắt tỉa và tưới tắm bằng nước suối lạnh. Theo gã, dâu tây chỉ sống ở xứ lạnh nên nước càng sạch, càng mát thì càng thôi thúc dâu tây phát triển.

Vậy là từ giữa năm 2011, dâu tây đã đem lại cho gã niềm vui khi đậu quả. Quả to, đỏ tươi và cực thơm, vườn dâu tây nhỏ bé bước đầu cho gã mỗi tháng 30 triệu đồng. Gã bảo: "Sẽ mở rộng vườn dâu tây để trồng bán xuất khẩu, vì giờ đây, cả miền Bắc chỉ có tớ trồng được loại dâu này".


Theo KH & ĐS
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo