Xã hội

Để phát huy “vai trò tối cao” của ĐBQH

“Vấn đề quan trọng nhất của việc sửa đổi nằm ở thể chế và con người. Luật tổ chức Quốc hội phải sửa đổi làm sao để có thể phát huy hết năng lực của mỗi ĐBQH” – ĐB Bùi Thị An chia sẻ.

ĐBQH đoàn Hà Nội Bùi Thị An. Ảnh LD

Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi gồm 6 chương, 140 điều sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới. Việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội được thực hiện sau khi Hiến pháp mới vừa được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014.

Trao đổi với phóng viên xoay quanh việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An – người luôn đưa ra nhiều đóng góp cả ở trong và ngoài các phiên họp, cho rằng đây là việc làm rất cần thiết. ĐB dẫn dụ, ở bất kỳ quốc gia nào, muốn phát triển bền vững thì phải được điều hành bằng luật. Việc sửa Luật vừa góp phần “nâng tầm” Quốc hội, vừa đảm bảo yếu tố vĩ mô, nhưng cũng phải đảm bảo tính khả thi.
 
Theo ĐB An, Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi lần này phải làm sao phát huy được “vai trò tối cao” của ĐBQH. Từ khâu giới thiệu, lựa chọn đến tổ chức hoạt động phải là những đại biểu có trí tuệ và tâm huyết. Nếu không được vậy, hoạt động của Quốc hội sẽ kém đi.
 
ĐBQH đoàn Hà Nội tỏ ra đồng tình với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhấn mạnh rằng, sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội phải luôn coi ĐBQH là trung tâm, phải tổ chức làm sao để mỗi ĐB phát huy được vai trò của mình, và ĐB có thể tham gia vào những việc cần tham gia.
 
Đề cập đến chủ trương nâng số lượng ĐB chuyên trách khi sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, ĐB An cho rằng điều này cũng cần thiết, song bà nhấn mạnh vấn đề quan trọng số một vẫn phải là yếu tố chất lượng. Đôi khi cũng không hẳn lượng đổi, chất sẽ đổi, vì thế Quốc hội cần quan tâm hơn đến yếu tố chất lượng, và cũng nên để cho ĐB các vùng miền, các ngành nghề tham gia.
 
Một nội dung khác trong sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội lần này là sẽ đưa ra phương án thành lập Tổng thư ký Quốc hội. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa chức danh Tổng thư ký Quốc hội với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Theo ĐB An hai chức danh này không nên gộp mà cần tách riêng ra để có thể tập trung chuyên sâu hơn vào từng lĩnh vực cụ thể.
 
“Điều quan trọng nhất của việc sửa đổi nằm ở thể chế và con người. Luật tổ chức Quốc hội phải sửa đổi làm sao để có thể phát huy hết năng lực của mỗi ĐBQH” – ĐB An nhấn mạnh. 
 
Tại phiên họp thứ 24 UBTVQH mới đây, khi thảo luận về Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi, đa số các ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi nhằm thể chế hóa các văn kiện của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua. Đồng thời việc sửa đổi lần này cũng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến khác đều nhấn mạnh, việc sửa đổi phải xác định ĐBQH luôn đóng vai trò trung tâm của mọi trung tâm. Đồng tình với quan điểm này, song Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước – một trong những đại biểu kỳ cựu nhất ở Quốc hội cũng cho rằng, ngoài vai trò trung tâm, luật sửa đổi cũng phải làm sao để mỗi ĐBQH thấy được trách nhiệm của mình, chứ không phải “chỉ đến rồi nghe”.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo