Môi trường

Để rừng thôi “chảy máu”

Năm 2014, cả nước có hơn 21.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Rừng toàn quốc đang bị khai thác cạn kiệt do công tác bảo vệ rừng chưa quyết liệt, thiếu các biện pháp đồng bộ tại các địa phương. Việc giữ rừng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi nhiều cán bộ kiểm lâm đang tiếp tay cho việc phá rừng, tiêu thụ lâm sản trái phép, để dân lấn chiếm trái phép đất rừng…

 Nhức nhối nạn phá rừng

 
Thời gian gần đây, dư luận cả nước quan tâm đến vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, thuộc khu vực giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Trong vụ phá rừng, cất giấu gỗ quý hết sức nghiêm trọng này, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ trên 40 m3 gỗ có giá trị cao. Cũng phá rừng ở khu vực giáp ranh là vụ lâm tặc ồ ạt kéo vào địa bàn giữa huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) và Krông Pa (tỉnh Gia Lai), phân chia, đốn hạ không thương tiếc hàng trăm cây gỗ quý.
 
 
Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra ở huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, lực lượng kiểm lâm phát hiện tại tiểu khu 640, 642 nằm trên địa bàn xã Quế Lâm, một lượng lớn gỗ xẻ gồm 257 phách gỗ, với tổng khối lượng hơn 51 m3 các loại, thuộc nhóm từ I đến VII như: Chò, gõ, huỳnh, xoan đào…
 
Theo Cục Kiểm lâm, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước có trên 21.000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ có 195 vụ được đưa ra xử lý hình sự, trong đó, 10 vụ được đưa ra xét xử, chiếm 5%. Trong số các vụ vi phạm, có đến 2.000 vụ phá rừng trái phép với diện tích trên 600ha; 10.345 vụ vi phạm lâm luật về khai thác, chế biến vận chuyển và mua bán trái phép gỗ rừng, tịch thu trên 22.600m3 gỗ; gần 400 vụ vi phạm về quản lý, mua bán vận chuyển tiêu thụ động vật hoang dã với trên 5.000 cá thể động vật bị xâm hại…
 
Từ năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành thông tư về việc buộc các dự án phá rừng phải trồng bù, như các dự án thủy điện phải trồng bù tới 11.000ha, nhưng đến nay các dự án chỉ trồng được 4.000ha… Ông Đỗ Trọng Kim - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm thừa nhận: Việc khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt tại những nơi còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, đặc dụng, gỗ có giá trị cao như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, Bắc Kạn… Hình thức, thủ đoạn tàn phá rừng của lâm tặc ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng chủ yếu thực hiện hành vi phá rừng vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng cưa giảm thanh, xe cơ giới để vận chuyển, khiến tốc độ khai thác gỗ rất nhanh...
 
Ngoài ra, tình hình phá rừng để lấy đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp, chiếm dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đang diễn biến phức tạp tại các địa phương. Trung bình mỗi năm, hằng trăm hecta diện tích rừng bị phá ở mỗi địa phương. Hiện, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, lâm trường… quản lý trên 2 triệu ha đất rừng. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn chủ rừng không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao. Tình trạng doanh nghiệp được giao rừng nhưng để mất rừng diễn ra khá phức tạp, tồn đọng kéo dài, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên.
 
Vào cuộc nhưng chưa hiệu quả?
 
Các vụ việc phá rừng được kể trên chỉ được phát hiện sau khi lâm tặc đã làm tan hoang các cánh rừng và đang chờ thời cơ đưa gỗ đi tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý và bảo vệ rừng còn chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, thậm chí một số cán bộ chức năng còn có biểu hiện vi phạm pháp luật, tiếp tay cho việc phá rừng, tiêu thụ lâm sản trái phép, để dân lấn chiếm đất rừng…
 
Gỗ lậu được vận chuyển về xuôi bằng đường sông
 
Năm 2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị về tăng cường, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Qua đó, đã xử lý 716 cán bộ vi phạm quy định của ngành, trong đó buộc thôi việc 19 cán bộ, cách chức 19 cán bộ, xử lý hình sự 16 trường hợp. Tuy nhiên, tốc độ phá rừng trên cả nước không vẫn giảm đáng kể. Trở lại với vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, lâm tặc liều lĩnh tập kết 2 bãi gỗ ngay sát đường và cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) không xa. Con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải có thể vào đến tận nơi nhưng cán bộ bảo vệ rừng vẫn không phát hiện. Trước nghi vấn có cán bộ “chống lưng” cho lâm tặc, Kiểm lâm Đà Nẵng đã phải đình chỉ 7 cán bộ quản lý bảo vệ rừng và kiểm lâm liên quan, khởi tố vụ án để điều tra. Vụ việc chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Kiểm lâm, phần lớn các vụ phá rừng đều không có kết quả điều tra tốt, không bắt được đối tượng chủ mưu phá rừng.
 
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát, chấn chỉnh, chống tiêu cực ngay trong lực lượng chức năng; điều chuyển vị trí công tác góp phần ngăn chặn kịp thời các “điểm nóng” về phá rừng; triệt phá các băng nhóm lâm tặc, xử lý nghiêm trước pháp luật để có tính răn đe. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sắp xếp lại việc giao đất, giao rừng, rà soát, sắp xếp lại hợp lý, dành phần đất cho dân để đảm bảo họ không phải làm thuê trên chính đất rừng cha ông từng canh tác, sắp xếp giao lại cho dân để hạn chế việc phá rừng để lấy đất sản xuất.
Tài nguyên rừng đang ngày càng cạn kiệt và có nguy cơ tận diệt. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để rừng thôi “chảy máu”.
Theo Tài nguyên và Môi trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo