Đề xuất bỏ cấp phép game trên di động
Nhiều doanh nghiệp đề xuất, cơ quan quản lý nên bỏ việc cấp phép đối với các trò chơi trên điện thoại di động (game mobile), chỉ cấp phép cho doanh nghiệp phát hành loại game này.
Hàng loạt bất cập, trăn trở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh game tại Việt Nam vừa được các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi với đại diện Bộ TT&TT sáng nay, 7/3/2014, tại trụ sở Bộ TT&TT.
Hầu hết các doanh nghiệp nhận định trong bối cảnh không thể “ngăn sông cấm chợ” đối với các doanh nghiệp nước ngoài vì sợ “va” với các điều ước, quy định thông lệ quốc tế như WTO, TPP,… các cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự cởi mở thông thoáng hơn về mặt chính sách để ủng hộ doanh nghiệp nội địa.
Theo quy định hiện hành, tất cả các game do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay đều thuộc diện phải xin cấp phép hoạt động (game G1). Với thể loại game cho PC hoặc webgame thì số lượng chỉ khoảng vài trăm game, nhưng với thể loại game mobile thì số lượng lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu, khó có thể xin cấp phép cho từng game một.
Ông Đinh Quang Huy, đại diện Công ty VTC Online đề xuất: “Nên chăng các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và chấp nhận phương án bãi bỏ cấp phép cho từng game mobile, mà chỉ cấp phép cho doanh nghiệp phát hành loại game này. Nếu nội dung game vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc các quy định luật pháp khác thì sẽ thu hồi giấy phép của doanh nghiệp phát hành. Trên thực tế, các game mobile nước ngoài khi phát hành vào Việt Nam cũng chỉ thông qua đại lý phân phối chứ không phải xin cấp phép. Việc bãi bỏ cấp phép game mobile cũng là một cách thức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh nội dung số, có thể phát triển được những nội dung tương tự game ngoại và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài”.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty APPOTA nêu thêm dẫn chứng: “Đã và vẫn đang có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuê một bộ phận ở Việt Nam Việt hóa game Trung Quốc rồi đưa lên Google Play để thu tiền. Các cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm duyệt được, cũng không thể yêu cầu gỡ game hoặc xử phạt game này, kể cả là game vi phạm những quy định của Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn phải mất rất nhiều công sức để xin phép phát hành game”.
Liên quan tới câu chuyện chính sách pháp lý, đại diện Mstudio than vãn về việc khó đăng ký bản quyền cho game. Công ty này đã nộp hồ sơ xin đăng ký bản quyền logo, theo quy định là 15 ngày phải giải quyết xong nhưng giờ đã 6 tháng vẫn chưa có kết quả, thậm chí đã phải chi 5 – 6 triệu đồng để nhờ công ty tư vấn luật hỗ trợ.
Cũng theo đại diện của MStudio, hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu rất nhiều quy định hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, sau khi làm được game, muốn đưa ra ngoài thị trường thì phải triển khai các hoạt động marketing như có khuyến mãi, tặng thẻ,…MStudio đã cặm cụi gõ cửa từ Sở Công thương sang Sở Thương mại,… để hỏi thủ tục về việc tặng quà cho người chơi, rốt cuộc vì không thể đáp ứng yêu cầu về hồ sơ của cơ quan quản lý nên đành phải quay trở lại nhà tính cách khác. Hiện Mstudio và rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang “chịu chết” không rõ quy trình thủ tục cụ thể để phát hành, duy trì và phát triển game ra sao, muốn tặng thẻ cho người chơi giỏi nhất thì phải hỏi người nào hướng dẫn.
Ông Nguyễn Việt Phương, đại diện FPT Online nửa đùa nửa thật ví von: “Làm game bây giờ giống như đánh bạc. Bắt một “con” game về như đánh quả, thả đúng cửa thì ăn, còn không thì chết. Rất cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để có một môi trường chính sách thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Tất cả những băn khoăn, kiến nghị và giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra sáng nay đều đã được lãnh đạo Vụ CNTT, Bộ TT&TT tiếp nhận với tinh thần cầu thị. Hy vọng trong thời gian ngắn tới, các rào cản, khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh game Việt Nam sẽ được tháo gỡ để ngành game không chỉ tăng trưởng doanh thu tại thị trường nội địa mà còn có thể thu về rất nhiều ngoại tệ cho đất nước.
ICTNews
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo