Xã hội

Đề xuất bỏ hàng loạt loại phí gây bức xúc cho người dân

(DNVN) - Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, có thể bãi bỏ môt số khoản phí gây bức xúc cho người dân như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy... nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.

Đề xuất trên do Chủ nhiệm UB Tài Chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu khi thẩm tra dự luật phí và lệ phí do Bộ Tài chính trình tại phiên họp QH hôm 26/5.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật phí, lệ phí trước Quốc hội. Theo bản dự thảo mới nhất này, Luật phí và lệ phí chỉ còn quy định 51 loại phí, 39 khoản lệ phí.
Trong 51 loại phí, lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều loại phí nhất với 9 loại, tiếp đến là lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường với 8 loại phí được quy định. Có 7 loại Phí thuộc lĩnh vực tư pháp; 6 loại Phí thuộc lĩnh vực y tế; 2 loại Phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; 2 loại Phí thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; 3 loại Phí thuộc lĩnh vực thương mại, đầu tư…
Trong 39 khoản lệ phí có 8 khoản Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; 7 khoản Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; 17 khoản lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh… Dự kiến Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật phí và lệ phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật phí và lệ phí.

Trình bày Tờ trình dự án Luật phí, lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh:  Bên cạnh mặt tích cực thì sau 13 năm thực hiện, Pháp lệnh phí và lệ phí cũng bộc lộ nhiều bất cập. Không ít  khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp. Cụ thể: Một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như: Học phí; viện phí; phí kiểm định phương tiện đo lường;...); phí có tên trong danh mục nhưng chưa phát sinh, trùng lắp với khoản thu khác. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện danh mục phí, để phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, các loại phí như: Giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu, niêm phong, kẹp chì hải quan; chứng nhận xuất xứ hàng hoá… cần loại bỏ. Thêm nữa, 5 khoản phí quy định trong danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá, cần đưa các khoản phí này ra khỏi danh mục, gồm: Viện phí, phí đấu thầu, học phí, phí giám định tư pháp, phí kiểm định đo lường chất lượng. Ngoài các khoản phí nêu trên, qua rà soát một số dịch vụ thu phí có khả năng xã hội hóa cao, cần chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính ngân sách do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày thống nhất với Tờ trình của Chính phủ.Đối với viện phí, học phí, Ủy ban TCNS nhất trí như Tờ trình của Chính phủ, chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo đó, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. “Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này” – ông Phùng Quốc Hiển nói.
Đối với Lệ phí môn bài, Ủy ban TCNS cho rằng, về bản chất Thuế môn bài là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý, thành lập doanh nghiệp ngày càng thông thoáng thì việc chuyển Thuế môn bài sang Lệ phí môn bài nhằm thông qua công tác thu để quản lý, kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động. Dó đó, nhất trí việc chuyển Thuế môn bài là khoản Lệ phí như Dự thảo Luật.
Đối với Lệ phí trước bạ, theo Ủy ban TCNS, thu Lệ phí trước bạ đi kèm với nó là Nhà nước thực hiện việc xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, Ủy ban TCNS nhất trí quy định khoản thu Lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí như quy định của Dự thảo Luật. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, Lệ phí trước bạ ngoài mục đích xác nhận quyền sở hữu về tài sản của công  dân còn là công cụ quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy tại các thành phố và đô thị lớn, vì vậy, đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Đối với phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao, Dự thảo Luật quy định, cơ quan ngoại giao Việt Nam thực hiện thu: ở nước ngoài là thu phí: “Phí áp dụng tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài”, ở trong nước là thu lệ phí: “Lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực xuất cảnh, nhập cảnh, giấy tờ nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam”, việc quy định như Dự thảo Luật chưa cụ thể, chưa rõ về nội hàm giữa khoản thu ở trong nước và ngoài nước là không hợp lý và thiếu thống nhất. “Do đó, Chính phủ cần quy định chi tiết, đảm bảo thống nhất các khoản thu áp dụng cho cơ quan ngoại giao, xác định rõ khoản thu nào là phí, khoản thu nào là lệ phí để đảm bảo thống nhất, rõ ràng trong hệ thống pháp luật” – ông Phùng Quốc Hiển đề nghị.
Ngoài một số các khoản phí, lệ phí nêu trên, theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy...) nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong thực tế việc sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè để phục vụ cho trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ là cần thiết, do vậy cần giữ lại khoản thu này. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp quản lý để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tránh thất thu cho NSNN.

 

Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo