Xã hội

Đề xuất cảnh vệ cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh: "Mở rộng đối tưởng cảnh vệ sẽ không hợp lý"

(DNVN) - Liên quan đến đề xuất cảnh vệ cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng việc này là chưa phù hợp.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 8/6, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng cần cảnh vệ là không hợp lý, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong Luật cảnh vệ có 18 trường hợp được bố trí cảnh vệ.

Theo ông, đến thời điểm không cần ai bảo vệ mới là văn minh còn đi ra đường mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa là không an toàn.

Trước lo ngại nếu không được cảnh vệ có thể tái xảy ra sự vụ như ở Yên Bái, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, sự việc vừa qua ở Yên Bái chỉ là hi hữu, không nên lấy một sự việc cụ thể để so sánh với tổng thể.

Cũng theo ông Cầu, cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn,nên đối tượng được cảnh vệ như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định là phù hợp.
"Mở rộng đối tưởng cảnh vệ sẽ không hợp lý bởi sẽ có nhiều vấn đề, lực lượng chức năng có sức đâu mà bảo vệ nhiều, rồi còn tốn kém lắm. Tôi nghĩ còn phải giảm thêm đối tượng được cảnh vệ", ông Cầu nói.

Đại biểu Quốc hội - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An).

Cũng theo đánh giá của Giám đốc Công an Nghệ An, có thể đến một giai đoạn nào đó nên giảm cảnh vệ bởi vì xã hội mình càng ngày càng an toàn thì nên giảm.

Cũng liên quan đến đề xuất này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Bí thư và Chủ tịch tỉnh có thể là đối tượng bảo vệ nhưng không phải là đối tượng cảnh vệ, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo vị đại biểu này, Bí thư và Chủ tịch tỉnh thuộc diện cán bộ được bảo vệ. Do đó đề nghị đưa vào diện được trang bị cảnh vệ là chưa phù hợp.

Theo lý giải của đại biểu Nhưỡng, cảnh vệ là tập trung vào bảo vệ các "yếu nhân", là những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Mà, cấp tỉnh không thuộc phạm vi "yếu nhân" nên không thể để cảnh vệ bảo vệ được.

" Nếu xếp Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ thì nghĩa là họ được xếp ngang hàng với những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Như vậy, rõ ràng là không hợp lý", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 6/6, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật cảnh vệ. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng- An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

 

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Cảnh vệ còn 6 Chương, 33 Điều, quy định về định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ; cho rằng dự thảo Luật Cảnh vệ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được chuẩn bị tốt, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội; nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sửa đổi phù hợp với các luật liên quan đã ban hành; khắc phục được những hạn chế, bấp cập hiện có của Pháp lệnh Cảnh vệ.

Theo quy định ở khoản 1, Điều 10 của dự thảo Luật Cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo