Đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thông tin như vậy tại cuộc họp thường kỳ sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết và thảo luận, thống nhất một số nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vào hôm 14/7.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh - Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, hiện một số ít địa phương có kiến nghị về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy trong khi đa số địa phương vẫn muốn tiếp tục.
"Trong thời gian qua, sau khi triển khai việc lấy ý kiến của 32 địa phương về việc có nên tiếp tục thu phí đường bộ với xe máy hay không thì có đến 30 địa phương bày tỏ quan điểm đồng thuận và kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách này. Trong khi đó, có hai tỉnh là Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị bỏ thu phí xe máy", ông Minh cho biết.
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng thừa nhận, việc thu phí đường bộ đối với xe máy hiện nay đang gặp một số khó khăn, bất cập. Tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng, có thể cân nhắc việc dừng thu loại phí này nhưng cũng cần lấy ý kiến đầy đủ các địa phương để tạo sự đồng thuận bởi hiện nay đa số vẫn muốn tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ với xe máy.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng đang cân nhắc có nên dừng việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy hay không bởi nó liên quan đến ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương, nếu thực hiện mà không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả.
Kết luận tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ GTVT nhận định, nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ với xe máy ở hai địa phương là TPHCM và Hà Nội không đáng bao nhiêu so với nguồn thu trên địa bàn nhưng với các tỉnh khác thì lại rất cần.
"Tuy nhiên việc thu phí hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho sửa Nghị định số 18 để dừng thu loại phí này. Trong khi đó, việc thu phí đường bộ với ôtô cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa…”- Bộ trưởng kết luận.
Thu phí đường bộ bình quân đạt 22,3 tỷ đồng/ngày
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương cho biết: Tính đến hết ngày 30/6/2015, các phương tiện ô tô nộp phí qua 132 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt 2784,899 tỷ đồng/4.838,683 tỷ đồng kế hoạch thu được giao. Riêng số tiền nộp về Quỹ TW là 2.743,272 tỷ đồng/4.692,067 tỷ đồng (đạt 58,46% so với kế hoạch thu cả năm 2015) và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2014. Tính bình quân số thu 1 ngày tại các trạm đăng kiểm trên địa bàn cả nước là: 22,3 tỷ đồng/ngày. Dự kiến kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ năm 2015 điều chỉnh tăng khoảng 413,930 tỷ đồng.
Căn cứ trên cơ sở số lượng xe ô tô của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đăng ký và đề nghị, Quỹ Trung ương đã giao kế hoạch thu phí năm 2014 là 26,194 tỷ đồng (Quyết định số 10/QĐ-QBTĐB ngày 30/3/2015). Trong đó số phí nộp Quỹ Trung ương là 25,932 tỷ đồng. Đến hết Quý II năm 2015, đã hoàn thành công tác thu nộp kinh phí về Quỹ Trung ương và giao các ấn chỉ “vé đường bộ toàn quốc” cho các đơn vị sử dụng.
Năm 2015, nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ Trung ương là 3.100 tỷ đồng. Trên cơ sở đề nghị của Quỹ Trung ương, Bộ Tài chính đã chuyển kinh phí cấp bổ sung cho Quỹ Trung ương là 775 tỷ đồng/3.100 tỷ đồng kế hoạch năm 2015. Nguồn kinh phí bổ sung này đã được Quỹ BTĐB Trung ương chuyển về các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo trì quốc lộ.
Cũng theo ông Minh, trong 6 tháng đầu năm nay Bộ đã thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hệ thống quốc lộ với chiều dài 17.680 km/21.109 km tổng chiều dài quản lý (Bộ GTVT đã bàn giao cho các chủ đầu tư, Ban QLDA để triển khai các dự án 2.024km, các doanh nghiệp BOT quản lý, đầu tư và vận hành khai thác gần 1.405km).
Đến nay, toàn bộ các gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên đã được duyệt dự toán và triển khai, đã có 114/128 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng quản lý bảo dưỡng thực hiện trong 03 năm 2015 - 2017 là 1.068,7 tỷ đồng, còn lại 14 gói thầu còn lại đang xét thầu. Đối với một số tuyến mới được nâng cấp từ đường địa phương thành quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo các Sở GTVT triển khai việc đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên và sẽ đề nghị Quỹ TW giao bổ sung vốn để thực hiện.
Tổng số dự án sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất năm 2015 là 950 dự án, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết 30/6/2015 các cơ quan, đơn vị đã phê duyệt 902/950 dự án. Đối với các dự án thuộc diện bổ sung đang được các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt và sẽ hoàn thành trong tháng 8/2015. Tính đến 30/6/2015 có 2.934km quốc lộ đã được triển khai sửa chữa nền, mặt đường, đã sửa chữa 347 chiếc cầu, 259 mét rãnh thoát nước, 135 cống ngang, thay thế 21.423 mét tôn hộ lan mềm, gia cố 96 điểm sụt trượt taluy, 32 điểm đen và điểm mất an toàn giao thông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh