Đề xuất lập chính quyền cảng
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 8-4, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014, dịch vụ logictics (giao - nhận, vận chuyển, kho bãi, hải quan…) Việt Nam chỉ đứng trên 3 nước Lào, Campuchia, Myanmar ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, ngành GTVT xác định việc sửa Bộ Luật Hàng hải là cơ hội tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển.
Băn khoăn khái niệm chính quyền cảng
Theo ông Đinh La Thăng, điểm nhấn của dự thảo luật là điều 64 b với quy định: Chính quyền cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. “Hiện việc tổ chức quản lý cảng kém, giá dịch vụ cao, phục vụ kém, hiệu quả thấp… nên cần phải có đầu mối thống nhất quản lý để hiệu quả hơn” - Bộ trưởng diễn giải.
Góp ý dự thảo, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng không nên dùng cụm từ “chính quyền cảng” và nội dung trong dự luật thể hiện chưa rõ thuộc ai, cơ cấu thế nào trong khi chức năng rất là lớn. “Không nên dùng từ chính quyền vì có thể dẫn đến “đẻ” ra một loạt “chính quyền” ở các KCN, cảng hàng không” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Luật phải sửa cách gọi “chính quyền cảng” để hiểu cho đúng bản chất mô hình này. Cũng như không ai gọi là chính quyền hàng không”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa sẽ xem lại vấn đề dịch thuật, tìm một từ ngữ chỉ rõ khái niệm “chính quyền cảng” để tránh hiểu nhầm. Tuy nhiên, theo ông, “chính quyền cảng” không nằm trong hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương mà là mô hình thống nhất tất cả các lực lượng ở khu vực cảng. Không phải cảng nào cũng có chính quyền cảng mà chỉ tổ chức ở những cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn…
Tránh trùng luật khác
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lo ngại dự luật đã “ôm” vào khá nhiều nội dung đã được quy định trong các Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Doanh nghiệp… Ông Giàu cũng băn khoăn chính sách phát triển hàng hải trong dự luật chỉ nêu 6 chính sách mang tính hô hào, khẩu hiệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra làm rõ nhiều vấn đề ngay trong bộ luật mà không nên giao cho Chính phủ quy định. “Dự thảo nêu việc phục hồi phá dỡ phải thực hiện theo các điều kiện tại điều 24 a luật này nhưng đọc điều đó thì lại thấy không có điều kiện gì cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định” - bà Mai dẫn chứng.
Đặt vấn đề phát triển hàng hải phải gắn chặt với an ninh hàng hải, chủ quyền quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị tính toán kỹ quy hoạch cảng; vai trò, chức trách của “chính quyền cảng”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Bộ luật phải tạo bộ khung pháp lý, môi trường cho ngành hàng hải phát triển, hội nhập với quốc tế; đồng thời thúc đẩy, thu hút việc xã hội hóa đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ biển”.
Làm rõ bội chi ngân sách
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng ý khi dự luật quy định có quỹ ngoài ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị thu hẹp các quỹ, quản lý chặt để bảo đảm sự tập trung của ngân sách nhà nước (NSNN), tránh chồng chéo trong quản lý quỹ.
Về dự phòng ngân sách tại một số bộ, ngành trung ương, nhiều ý kiến đề nghị không quy định dự phòng NSNN do lo ngại NSNN bị phân tán. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, người từng kinh qua Bộ trưởng Tài chính, lại cho rằng đó là điều cần thiết.
Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải xem xét, tính toán kỹ tổng mức bội chi ngân sách. “Bội chi ngân sách trung ương hiện ước tính khoảng 5,3% GDP, nếu cộng với nợ công và bội chi địa phương thì thực tế lên đến bao nhiêu? Nói tổng bội chi bằng khoản này cộng khoản kia nghe thì dễ “trôi” nhưng có thể ra con số khá lớn, có thể đến 12%. Từ bây giờ khi làm ngân sách phải tính chặt chẽ tổng bội chi” - ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá