Đề xuất phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay
Theo đó, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không.
Người nộp phí được hạch toán khoản tiền phí phải nộp vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý, được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không được thu thêm (cộng thêm) số tiền phí phải nộp theo Thông tư này vào giá dịch vụ khi cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đối với khách hàng.
Tổ chức thu phí là các Cảng vụ hàng không (Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng vụ Hàng không miền Trung, Cảng vụ Hàng không miền Nam) thuộc Cục Hàng không Việt Nam.
Dự thảo đề xuất mức thu phí như sau: Đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay mức thu sẽ là 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh. Đối với dịch vụ Kinh doanh cảng hàng không sẽ là 335.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh.
Trong đó: Mức thu phí được tính trên sản lượng chuyến bay hạ cánh hoặc cất cánh không thuộc đối tượng miễn thu (sản lượng tính theo lượt hạ cánh hoặc cất cánh) đi hoặc đến các cảng hàng không thuộc khu vực do Cảng vụ hàng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Số tiền phí thu được được quản lý và sử dụng như sau: Cảng vụ Hàng không miền Bắc: Trích để lại 61% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 14%; nộp ngân sách nhà nước: 25%.
Cảng vụ Hàng không miền Trung: Trích để lại 90% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 5%; nộp ngân sách nhà nước 5%.
Cảng vụ Hàng không miền Nam: Trích để lại 48% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 20%; nộp ngân sách nhà nước 32%.
Cục Hàng không Việt Nam sử dụng số tiền phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay cho hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phí, lệ phí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo